Đầu thế kỷ XIX, thu nhập bình quân của VN ngang bằng thế giới và quy mô kinh tế gấp 1,5 lần Thái Lan. Còn tính đến năm 2014, thu nhập bình quân chỉ bằng 1/3 Thái Lan, bằng 1/5 Malaysia và bằng hơn 1/5 trung bình thế giới. Nếu nỗ lực, cải cách mạnh mẽ thì 20 sau, năm 2035, Việt Nam mới bằng Malaysia hiện nay. Những con số đó nói lên điều gì?
Đó là những con số trong Báo cáo "Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ" (Báo cáo Thịnh vượng) được công bố ngày 23.2.2016. Báo cáo này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) chủ trì với Ngân hàng Thế giới tập hợp các chuyên gia kinh tế hàng đầu của thế giới và trong nước xây dựng.
Những con số này đã cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu trong khu vực và trên thế giới một cách cụ thể nhất. Nó cũng cho thấy, mặc dù có những bước tiến ngoạn mục sau 30 năm đổi mới, nhưng khoảng cách kinh tế của Việt Nam với nhiều nước trên thế giới vẫn rất lớn. Điều đáng nói là, những lợi thế của những cải cách hiện không còn nhiều. Do đó, nếu không tiếp tục tạo những đột phá, khoảng cách này sẽ ngày càng doãng ra.
Vậy liệu sắp tới chúng ta có thể có những đột phá gì để khoảng cách về kinh tế giữa chúng ta và thế giới ngày càng thu hẹp lại. Theo khuyến nghị của Báo cáo Thịnh vượng, chúng ta phải thực hiện cho được 6 đột phá ( xây dựng thể chế hiện đại; hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân trong nước có năng lực cạnh tranh cao; phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hòa nhập xã hội; tăng trưởng có khả năng chống chịu với khí hậu và chuyển dịch không gian phát triển) với 3 trụ cột (Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường; Công bằng trong hội nhập xã hội; Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước). Và Báo cáo Thịnh vượng cũng cho rằng, nếu thực hiện tốt những đột phá, trụ cột nêu trên thì lúc đó chúng ta có khả năng đạt được thì quy mô GDP sẽ tăng lên tới gần 1.000 tỉ USD so với mức 200 tỉ USD hiện nay. Và đặc biệt, nền kinh tế thị trường được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân (phải đóng góp tối thiểu 80% GDP)..., một nhà nước pháp quyền hiệu quả và đảm bảo trách nhiệm giải trình.
Vậy nhưng, hiện số lượng doanh nghiệp tư nhân thì rất lớn, nhưng đóng góp cho GDP lại thật khiêm tốn (khoảng 11%). Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo: DN của chúng ta đang ngày càng teo tóp. Vậy làm gì để trong 20 năm nữa các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam có thể đóng góp 80 % GDP khi mà còn khá nhiều cản trở. Một trong những cản trở đó là nạn nhũng nhiễu của một số cơ quan, cá nhân có trách nhiệm. Vấn nạn này sinh ra từ các nhóm lợi ích đan xen ngày càng chằng chịt.
Mặt khác, DN của ta thì đông, nhưng phần lớn là buôn bán, nhà hàng, khách sạn. Vì vậy, một số doanh nghiệp FDI muốn chuyển giao công nghệ cho chúng ta, nhưng thật đáng tiếc, chúng ta không có nền tảng để tiếp nhận.
Điều đó cho thấy, việc thực hiện khát vọng 2035 còn không ít khó khăn, mà đến khi ấy, chúng ta không biết, đến năm 2035, kinh tế thế giới đã tiến tới đâu và khoảng cách giữa Việt Nam với thế giới sẽ ra sao?
Do đó, có lẽ hình dung về nguy cơ này, trong buổi Lễ công bố Báo cáo Thịnh vượng, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT hy vọng rằng “nếu có sự đồng lòng, đồng tâm và đồng chí để thực hiện khát vọng Việt Nam, thì đến năm 2035, Việt Nam sẽ làm được nhiều hơn những gì mà các chuyên gia kinh tế đã nỗ lực hình dung.” Đồng thời, ông Bình cũng nêu rõ thực trạng “môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều khó khăn và cản trở”, để rồi ông đề nghị : “ Chúng tôi muốn nhìn thấy những thay đổi, tháo gỡ…”
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH &ĐT Bùi Quang Vinh cũng cho rằng “Nền chính trị phù hợp với nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho phát triển. Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách.”
Và đây không phải là tiếng nói lẻ loi của ông Bùi Quang Vinh, của các doanh nghiệp, của các nhà quản lý, mà một số nhà lý luận của Đảng cũng đã đề cập đến những nội dung này. Ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương – viết trên VietnamNet ngày 1.1.2016 cũng đề cập: “Nước ta chủ yếu mới đổi mới về kinh tế, mà cũng mới đi nửa đường, còn văn hóa và chính trị thì cơ bản chưa đổi mới, sắp tới cần đồng bộ và toàn diện trong công cuộc này.”
Vì vậy, chúng ta hy vọng, với những cải cách đồng bộ cả kinh tế, văn hóa và chính trị, nền kinh tế của Việt Nam lại sẽ có những đột phá ngoạn mục như chúng ta đã làm hơn 30 năm qua. Và như vậy, khoảng cách kinh tế của chúng ta sẽ ngày càng tiệm cận hơn với nền kinh tế thế giới.