Công bố báo cáo “Việt Nam 2035, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” được thực hiện bởi Chính phủ Việt Nam và nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 23.2 tại Hà Nội.
Năm 2015, mỗi người Việt sẽ thu nhập 7.000USD/năm
“Tăng trưởng năng suất lao động là con đường duy nhất để Việt Nam đạt được mục tiêu thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 - 18.000USD trong năm 2035” - ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ KHĐT - cho biết. Trong vòng 20 năm nữa, trên nửa số dân dự kiến sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Các chuyên gia WB cảnh báo khả năng xảy ra rủi ro xung đột nghiêm trọng giữa người lao động và chủ sử dụng lao động nếu sự tăng trưởng về việc làm không đi kèm với cải cách về môi trường làm việc. Việt Nam còn 10 năm nữa nằm trong giai đoạn cơ hội dân số vàng, tức là giai đoạn cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động cao nhất. Trong 20 năm tới, số người cao tuổi tăng nhanh khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi đó theo ông Bùi Quang Vinh, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục sụt giảm từ cuối những năm 1990 đến nay khiến năng suất lao động Việt Nam ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, năng suất lao động khu vực tư nhân liên tục sụt giảm và ở mức thấp.
Đáng chú ý, các chuyên gia của WB dự báo, năm 2035, trên nửa số dân dự kiến sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với mức tiêu dùng 15 USD/ngày hoặc cao hơn, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô khoảng gần 1.000 tỉ USD. Sự nổi lên của tầng lớp trung lưu vừa mang lại cơ hội, vừa làm thay đổi về kỳ vọng và tạo ra những thách thức mới. Đa số những người ở tầng lớp trung lưu có nguyện vọng làm việc trong khu vực kinh tế chính thức, được đào tạo các kỹ năng chất lượng cao qua giáo dục đại học. Tầng lớp trung lưu thành thị cũng đòi hỏi chính trị phải công khai hơn và chính phủ có tính giải trình hơn, điều này khiến cho hệ thống hiện tại phải nỗ lực mới có thể đáp ứng được.
Thách thức lớn nhất của Việt Nam
Trao đổi với phóng viên, ông Jim Yong Kim - Chủ tịch WB - cho biết: “Việt Nam đang đối mặt với hai thách thức lớn. Thứ nhất, làm sao để đảm bảo các doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước đều được bình đẳng trong khả năng tiếp cận đất đai và nguồn vốn theo nguyên tắc thị trường, không chỉ dành cơ hội này cho người thân quen. Thứ hai, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào con người để chuẩn bị cho thời điểm 20 năm tới, mỗi công dân đều cống hiến năng lực trí tuệ để phát triển. Hầu hết các nước chưa nhìn thấy việc đầu tư vào con người chính là yếu tố căn bản về kinh tế”.
“Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được khẳng định rõ trong hiến pháp nhưng trên thực tế vẫn có khoảng cách giữa thực tiễn tham gia của công dân trong quản trị nhà nước. Báo cáo chỉ rõ Chính phủ thường gặp khó khăn trong phối hợp chính sách kinh tế, dẫn tới sự thỏa hiệp giữa các cơ quan nhà nước và sự mặc cả giữa nhà nước với khu vực tư nhân. Ông Jim Yong Kim cho biết: “Tôi nắm rõ về những quan ngại của Việt Nam về vấn đề tham nhũng. Một trong những thông điệp chính trong báo cáo là tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Tôi hy vọng trong thời gian tới người dân sẽ đứng lên đảm bảo Nhà nước có trách nhiệm giải trình”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: “Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam vốn thường được nhắc đến liền với hai từ “chiến tranh” đã trở thành một vùng đất an bình. Một đất nước thiếu đói đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo, lương thực và nông sản hàng đầu. Một nền kinh tế bao cấp, tự túc, kiệt quệ do chiến tranh đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Vui mừng và tự hào về những thành tựu to lớn của 30 năm đổi mới nhưng chúng tôi không thể thỏa mãn. Khát vọng của nhân dân Việt Nam về một tương lai tươi sáng “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” với một nền kinh tế thịnh vượng, môi trường bền vững, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa”.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh: “Việt Nam là một câu chuyện thành công của thế giới về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một nước có mức thu nhập trung bình. Từ năm 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần 4 lần, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ trên 50% xuống còn dưới 5%... Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là một nước nghèo, chúng ta chưa bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được nhất là khi chúng ta nhìn lại mình trong tương quan với các nước bên cạnh có cùng điều kiện như chúng ta”.
Tin bài liên quan
-
Chủ tịch World Bank quan tâm đặc biệt đến Việt Nam
-
Chỉ đạo của tân Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Ba Vì phải coi cải cách hành chính là nhiệm vụ số 1”
-
Bị khách “kiện” chợt phát hiện nhiều lon bia Huda nguyên nắp nhưng thiếu nước
-
Ngày 23.2: Giá vàng “đuối” từng ngày
-
Cuộc chiến giá mới trên thị trường ôtô Việt Nam
-
Bí mật đằng sau ôtô Mỹ nhập theo đường “chợ đen” vào châu Á
-
Uber mất trắng 1 tỉ USD mỗi năm tại Trung Quốc
-
Mở sân chơi riêng, đại gia xe máy Việt có gì để khoe?