Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Trưởng ban thư ký Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (Tổ công tác) khẳng định, vấn đề lo ngại nhất là tình trạng ban hành điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền vẫn còn sau ngày 1/7/2015.
Thưa ông, sau khi Tổ công tác đi vào hoạt động, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng những vướng mắc trong quá trình thực thi hai luật này, vốn không hề nhỏ, sẽ được giải quyết ngay?
Phải nói rõ, Tổ công tác không làm thay công việc chuyên môn của các cơ quan có liên quan trong thực thi hai luật này. Tổ công tác hoạt động độc lập, trung lập với các cơ quan này, với tổ chuyên gia của mình, sẽ có cách nhìn khách quan, độc lập khi tìm nguyên nhân của vướng mắc hiện có và đề xuất các giải pháp.
Việc xử lý tùy theo chức năng sẽ do Tổ trưởng Tổ công tác - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chỉ đạo giải quyết các vấn đề trong phạm vi của ngành kế hoạch. Những đề xuất vượt thẩm quyền sẽ trình xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Điều đáng nói là với vị trí, chức năng như vậy, chúng tôi rất mong muốn có được thông tin phản hồi, phản biện từ thực tế. Cách phân tích và nhìn nhận vấn đề của Tổ công tác sẽ không né tránh các nguyên nhân, có thể ngay tại các văn bản luật, giữa luật và nghị định của hai luật này và giữa hai luật này với văn bản luật khác, hay các vấn đề mang tính kỹ thuật như hồ sơ, trình tự thủ tục…
Thực tế, nhiều nhà đầu tư than phiền, không ít quy định trong hai luật không được thực hiện vì các quy định chuyên ngành chưa được chính sửa. Đơn cử như thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ bị dừng lại do Nghị định 23/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động có liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá…
Điều này thể hiện sự lưỡng lự trong áp dụng pháp luật. Nếu mọi nơi đều áp dụng đúng quy định về thi hành văn bản quy phạm pháp luật, nghĩa là cùng một vấn đề thì văn bản sau phủ văn bản trước, văn bản pháp lý cao hơn phủ văn bản thấp hơn, thì sẽ không có vướng mắc gì.
Trong trường hợp trên, Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng thi hành Luật Đầu tư đã phủ định yêu cầu về hồ sơ thủ tục liên quan đến lĩnh vực này của Nghị định 23/2007/NĐ-CP. Một số cơ quan đăng ký kinh doanh đã thực hiện theo Nghị định 118, nhưng đa phần không thực hiện.
Lý do là không thống nhất cách hiểu và thực thi luật, dẫn đến không dám thực hiện theo quy định. Cũng có trường hợp việc thực hiện phải áp dụng theo chỉ đạo của ngành.
Điều này gây bức xúc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Quan trọng là những đổi mới của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư không thực hiện được vì những quy định cũ và cách ứng xử của công chức trong thực thi pháp luật. Về vấn đề này, Tổ công tác sẽ đề xuất Tổ trưởng trình xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng quan điểm của tôi là phải thực hiện theo luật.
Tới thời điểm này, còn 4 tháng nữa là hơn 3.000 quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh không đúng thẩm quyền sẽ hết hạn theo quy định của Luật Đầu tư. Theo ông, mọi việc sẽ thế nào?
Luật đã quy định rõ và sẽ không có lý do gì để không thực thi. Công việc của Tổ công tác là đảm bảo thực thi đúng quy định. Còn việc chuẩn bị cụ thể là việc của các bộ, ngành liên quan.
Vấn đề chúng tôi lo ngại nhất là tình trạng ban hành điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền vẫn còn sau ngày 1/7/2015. Tổ công tác cần sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, cũng như qua kênh báo chí để phát hiện, tạo sức ép đủ mạnh và cần thiết để thay đổi tư duy, nhận thức của các bộ, ngành, đảm bảo thực thi pháp luật nghiêm minh và trách nhiệm quản lý nhà nước.
Tôi nói vậy vì kinh nghiệm thực thi Luật Doanh nghiệp năm 1999 và 2005 cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu không có áp lực từ bên ngoài, các bộ, ngành sẽ vẫn làm công việc của mình theo thói quen, khó tự thay đổi.
Đó vẫn là những công việc dài hạn. Còn trước mắt, chúng tôi muốn giải quyết ngay vướng mắc chủ yếu do nhận thức. Ví dụ như khi ngành nghề đăng ký kinh doanh không còn là nội dung đăng ký, thì về bản chất thể hiện quyền kinh doanh là quyền đương nhiên của người dân, không phải đăng ký nếu luật không cấm.
Việc thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh nhằm giúp nhà nước biết doanh nghiệp đang làm gì, các bên liên quan biết doanh nghiệp đó đang làm gì, nghĩa là vì lợi ích của chính doanh nghiệp và luật pháp tạo điều kiện để doanh nghiệp làm việc đó.
Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang bị làm khó khi nhiều cơ quan, như ngân hàng, chủ đầu tư các dự án có vốn nhà nước yêu cầu phải có xác nhận về ngành nghề đăng ký kinh doanh.
Cách xử lý hiện tại là doanh nghiệp xin và cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xác nhận. Đúng ra, thông tin này có thể tìm trên hệ thống thông tin doanh nghiệp quốc gia.
Giải pháp tới đây vẫn là tuyên truyền và cả phê bình những nơi chưa làm đúng quy định. Song hành là nâng cấp hệ thống thông tin... đáp ứng nhu cầu về thông tin, giảm tải cho phòng đăng ký kinh doanh...