Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Dùng hàng ngoại nổi tiếng: Chắc gì đã an toàn!

Chiều tối qua (24.2), Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi các công ty nhập khẩu thực phẩm sau khi nhận được thông tin cảnh báo về việc Công ty Mars của Mỹ đã tiến hành thu hồi các sản phẩm sôcôla được sản xuất tại Hà Lan và phân phối toàn cầu (trong đó có Việt Nam) vì mất an toàn. Trong khi đó, Hãng Johnson&Johnson vừa thua kiện tại Mỹ vì sản phẩm phấn rôm bị tố chứa chất có khả năng gây ung thư. 

Mẩu nhựa gây chấn động thế giới

Nhãn hiệu kẹo chocolate nhập khẩu được nhiều người chuộng Snickers đang bị thu hồi tại 55 nước, trong đó có Việt Nam.

Thông báo thu hồi kẹo được Mars, một trong những công ty thực phẩm lớn nhất thế giới đưa ra sau khi một khách hàng ở Đức tìm thấy một miếng nhựa trong thanh kẹo Snickers vào tháng 1 vừa qua. Đại diện hãng thực phẩm này cho hay có 55 thị trường bị ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam. Điều tra ban đầu của Mars cho thấy miếng nhựa là một mẩu của máy móc trong nhà máy của họ tại thị trấn Veghel, Hà Lan.

Phát hiện này buộc Mars ra thông báo thu hồi do lo ngại miếng nhựa này có thể xuất hiện ở những thanh kẹo khác. Tuy nhiên, lệnh thu hồi chỉ áp dụng cho các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy nói trên và phần lớn các quốc gia bị ảnh hưởng nằm ở Châu Âu. Tuy nhiên, Sri Lanka và Việt Nam cũng trong danh sách liên quan. Đại diện Công ty Mars không công bố số thanh kẹo bị thu hồi. Đây không phải là lần đầu tiên công ty này thu hồi sản phẩm.

Trước đó vào năm 2014, Mars đã tự nguyện thu hồi một lô sản phẩm kẹo chocolate M&M chứa bơ đậu phộng có khả năng gây dị ứng.

Trước những thông tin trên, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã đưa ra một loạt danh sách các sản phẩm thuộc dạng “nghi vấn” của Công ty Mars đang được tiêu thụ ở Việt Nam. Theo đó, sản phẩm có tên Mars Funsize (có hạn sử dụng 11.9.2016 đến 2.10.2016); Milky Way Funsize (hết hạn sử dụng tốt nhất trước ngày 2.10.2016); Family Favorites (hết hạn sử dụng tốt nhất trước ngày từ 29.5.2016 đến 14.8.2016); Party Mix nhãn hiệu Variety Funsize (hết hạn sử dụng 15.5.2016 đến 7.8.2016); Celebrations (hết hạn sử dụng tốt nhất trước ngày từ 8.5.2016 đến 28.8.2016); Snickers Miniature (hết hạn sử dụng tốt nhất trước ngày từ 7.8.2016 đến 14.8.2016).

Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu các công ty báo cáo các nội dung sau: Số lượng nhập khẩu các sản phẩm có hạn sử dụng nói trên (nếu có); Số lượng tồn kho; Số lượng đã tiêu thụ... để xử lý.

Thông tin về miếng kẹo của Mars đã gây chấn động cộng đồng mạng, bởi đây vốn là thương hiệu nổi tiếng thế giới mà trước nay các bậc cha mẹ ở Việt Nam vẫn yên tâm cho con mình sử dụng.

Phấn rôm của Johnson&Johnson  của Công ty Mars được bày bán nhiều trên thị trường Việt Nam. 

Đến phấn rôm có thể gây ung thư

Cũng trong hôm qua, một hãng mỹ phẩm của Mỹ là Johnson&Johnson phải bồi thường 72 triệu USD vì phấn rôm bị kiện gây ung thư.

Tòa án ở bang Missouri đã yêu cầu Công ty dược phẩm Johnson&Johnson bồi thường thiệt hại tới 72 triệu USD cho gia đình một phụ nữ đã qua đời vì cho rằng có sự liên quan giữa phấn rôm của công ty này với bệnh ung thư của người này.

Bà Jackie Fox ở Birmingham (bang Alabama) được chẩn đoán ung thư từ năm 2013 và 2 năm sau, đến tháng 10.2015 bà qua đời ở tuổi 62. Con trai bà tiếp nối làm nguyên đơn trong vụ kiện của mẹ. Trước đó, Jackie Fox cho rằng bệnh ung thư buồng trứng của bà là do sử dụng phấn rôm Johnson&Johnson và các sản phẩm chứa bột talc khác. Marvin Salter cho biết, mẹ nuôi quá cố của anh sử dụng phấn rôm Johnson&Johnson từ hàng thập kỷ nay, và đây là nhãn hiệu quen thuộc trong 
gia đình.

Trước đây, công ty này đã là mục tiêu công kích của người tiêu dùng và sức khỏe bởi họ cho rằng có những thành phần có thể gây hại trong các sản phẩm của công ty, kể cả trong dầu gội trẻ em không cay mắt nhãn hiệu Johnson’s No More Tears. Tháng 5.2009, một liên minh người tiêu dùng có tên Chiến dịch vì mỹ phẩm an toàn (Campaign for safe cosmetics) đã bắt đầu gây sức ép để công ty bỏ những thành phần đáng ngờ khỏi các sản phẩm chăm sóc cá nhân em bé và người lớn. Sau 3 năm kiến nghị, tiếng tăm xấu và đe dọa tẩy chay, năm 2012 công ty đồng ý bỏ các thành phần 1,4-dioxane và formaldehyde khỏi tất cả sản phẩm của họ trước năm 2015 - cả 2 thành phần này được coi là có thể gây ung thư.

Người phát ngôn của công ty cho biết, sau phán quyết của tòa án ở Missouri, công ty đang cân nhắc các bước tiếp theo. Bà cho rằng phán quyết “đi ngược lại nhiều thập kỷ chứng minh khoa học có ý nghĩa về sự an toàn của bột talc như một thành phần mỹ phẩm trong nhiều sản phẩm”, trong đó có cả nghiên cứu hỗ trợ của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cũng như Viện Nghiên cứu ung thư Quốc gia.

Trong vụ kiện, các luật sư của bà Fox đưa ra các bằng chứng, trong đó có cả một bản ghi nhớ nội bộ từ tháng 9.1997 từ một nhà tư vấn y tế của Johnson&Johnson cho rằng, “bất kỳ ai phủ nhận nguy cơ giữa việc sử dụng phấn rôm vệ sinh và ung thư buồng trứng sẽ bị nhìn nhận công khai tương tự như những người phủ nhận mối liên hệ giữa hút thuốc với ung thư”.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu phấn rôm bị cảnh báo là có khả năng gây ung thư. Từ năm 1982, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa phấn trẻ em và ung thư buồng trứng ở phụ nữ. Kết quả cho thấy, phụ nữ sử dụng những loại phấn này với nguyên liệu chính là bột talc, bị tăng gấp 300 lần nguy cơ mắc ung thư. Viện Hàn lâm Nhi khoa của Mỹ cũng đã cảnh báo các bậc cha mẹ không nên sử dụng phấn trẻ em, đặc biệt là các loại bột có chứa talc. Khoáng chất này có thể dễ dàng phát tán trong không khí. Khi hít vào, biểu hiện đầu tiên xảy ra ở trẻ em là khô màng nhầy, khiến trẻ hít thở khò khè. Một số trường hợp mắc bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh cũng có liên quan đến việc sử dụng phấn rôm.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, các bậc phụ huynh nên tránh sử dụng tất cả các loại phấn bột để tránh trường hợp hít phải. Các loại kem dưỡng ẩm, làm mềm da dạng gel có thể là một giải pháp an toàn hơn trong trường hợp này.

Điều đáng nói, là các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn chưa có cảnh báo chính thức nào về câu chuyện phấn rôm có khả năng gây ung thư.

Tin bài mới

  • Hà Nội sẽ cử cán bộ ra nước ngoài học về quản lý cây xanh

  • “Chỉ 1/4 số doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu”

  • Kẹo nhập ăn khách tại Việt Nam bị thu hồi vì có tạp chất

  • Doanh nghiệp vận tải trây ỳ giảm giá cước: Không thể trông chờ sự tự nguyện đơn phương!