Ngày 26.2, Sở GTVT TPHCM tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách để lắng nghe ý kiến, đề xuất của các DN để có các biện pháp lập lại trật tự an toàn giao thông vận tải hành khách trên địa bàn TPHCM.
Ông Lê Văn Huệ - GĐ Công ty Hoa Mai (trụ sở trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM) - cho biết, Công ty kinh doanh 3 loại hình vận tải hành khách: Hợp đồng, du lịch và cố định. Hiện nay, DN có 65 chuyến xe/ngày đi và về bến xe Miền Tây (BXMT). Khách đi Vũng Tàu - BXMT và ngược lại mỗi ngày có 50 -60 khách xin xuống tại khu vực quận 1. Do không có trạm dừng trên đường nên nhà xe phải chạy vào đường Nguyễn Thái Bình để cho khách xuống.
“Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện cho DN chúng tôi và các DN khác chạy tuyến BXMT – Vũng Tàu có điểm dừng để lên xuống khách trên trục đường Võ Văn Kiệt. Chúng tô sẵn sàng mướn một mặt bằng trên đường Võ Văn Kiệt để mở trạm dừng đón, trả khách”- ông Huệ đề nghị.
Theo ông Huệ, hiện nay khách của nhà xe đã quen tới trụ sở trên đường Nguyễn Thái Bình. Nếu giờ mà đóng cửa, chuyển hẳn vào trong bến xe thì sẽ mất khách. Vì vậy, DN cần 1 -2 tháng để dần chuyển khách vào bến xe.
Ông Lê Hoàng Minh – Phó GĐ Sở GTVT TP - thừa nhận, Sau khi Sở GTVT cấm xe từ 9 chỗ dừng, đỗ trên đường Nguyễn Thái Bình thì các DN chuyển dùng xe 7 chỗ chở khách sang đường Mai Chí Thọ để lên xe. “Nếu chúng tôi lập lại trật tự trên đường Mai Chí Thọ thì không biết các anh lại đi đâu nữa? Để khách thay đổi thói quen thì cần có thời gian, chúng tôi sẽ ghi nhận” – ông Minh nói.
Nguyễn Hồ Hữu Tùng – Đại diện Công ty TNHH Thành Bưởi – cho biết, doanh nghiệp hiện kinh doanh 3 loại hình vận tải xe khách: hợp đồng, cố định và du lịch. Ông Tùng cho rằng, pháp luật không cấm xe hợp đồng và du lịch. Nhu cầu người dân sử dụng các loại xe này cũng rất lớn. Nhưng ở TPHCM chưa có dịch vụ hỗ trợ cho xe hợp đồng, du lịch.
“Tôi có nghe ông Lê Hoàng Minh nói tại công viên 23.9 (quận 1), có dịch vụ để đỗ xe hợp đồng, du lịch. Vì vậy, không riêng gì tại công viên 23.9, chúng ta nên có nhiều nơi hỗ trợ các loại hình kinh doanh này. Khi không có điểm dừng, đỗ thì buộc chúng tôi phải đỗ ngoài đường, gây kẹt xe, mất mỹ quan đô thị” – ông Tùng nói.
Với đề nghị này, ông Lê Hoàng Minh cho rằng, nếu mở thêm các điểm cho xe du lịch, hợp đồng đón trả khách sẽ tạo thành bến “cóc”.
Ông Trần Ngọc Khanh – GĐ Công ty TNHH Toàn Thắng- cho biết, Công ty kinh doanh hai loại hình tuyến cố định và hợp đồng. Tuyến cố định có 40 xe ở BXMĐ và 40 xe ở BXMT. Vấn đề là BXMĐ ngày bán được khoảng 100 vé, còn BXMT ngày bán được 40 – 60 vé. “Giờ không ra ngoài đón khách thì một ngày một xe chạy 2 vé sao được. Lượng khách từ Vũng Tàu lên TPHCM hằng ngày chỉ có vài khách, còn ở trung tâm TPHCM thì rất nhiều nhưng khách không chịu vô bến. Vì vậy cơ quan chức năng nên sắp xếp 1 điểm dừng đón, trả khách đường Mai Chí Thọ hay đường Võ Văn Kiệt để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân” – ông Khanh đề xuất.
Theo ông Lê Hoàng Minh, thời gian tới, Sở GTVT TP sẽ công bố các điểm được đón trả khách trên địa bàn TP. Đề xuất của nhà xe Hoa Mai và Toàn Thắng xin mở trạm dừng trên đường Võ Văn Kiệt là hợp lý, nhưng vấn đề là phải tìm vị trí phù hợp, nếu không khéo thì sẽ hình thành bến “cóc”.
Tương tự, nhà xe Huệ Nghĩa chạy tuyến các tỉnh Miền Tây - TPHCM có hai loại hình cố định và hợp đồng. Theo đại diện nhà xe Huệ Nghĩa, 60% người dân miền tây đi TPHCM khám bệnh ở các bệnh viện Chợ rẫy, Đại học y dược, Ung Bướu,... Vì vậy, đại diện nhà xe này xin 1 điểm đón trả khách gần bệnh viện.
Ông Lê Hoàng Minh đặt câu hỏi, nhà xe có xe trung chuyển sao không sử dụng đưa khách từ bến xe đến vị trí khách cần mà phải chạy xe vào trung tâm TP? Vị đại diện này cho rằng, từ bến xe đi tới các bệnh viện nội thành…xa!.
Theo ông Tạ Xuân Chính - Phó Tổng GĐ Công ty CP vận tải Sài Gòn - xe của các DN vận tải chạy vào trung tâm TP để rước khách thì tạo thuận lợi cho người dân đi lại nhưng nó lại có hai mặt. Việc hành khách được đón tận nhà, được vào TP đi cự ly gần nhất đương nhiên ai cũng thích. Nhưng lợi ích của người này lại là phiền phức của người khác. Khi xe vào TP rước khách chỉ thuận lợi cho người đi chuyến xe đó, còn người dân TP sống và làm việc ở những nơi đó sẽ khó chịu vì mất trật tự giao thông. Ví dụ trên đường Nguyễn Thái Bình và Phạm Ngũ Lão, nếu người dân thấy thuận lợi sao người dân còn phản ánh.
“Xe chạy tuyến cố định thì phải vào trong bến xe. Còn từ trung tâm TP đi ra các bến xe bằng phương tiện gì, thì hiện nay TP các rất nhiều xe buýt, xe taxi hay xe trung chuyển của các nhà xe. Nếu chúng ta tổ chức tốt thì sẽ tạo thói quen cho hành khách trong việc đi lại. Và đây cũng là cách để chúng ta phát triển các loại hình dịch vụ trong TP như: xe buýt, taxi. Nếu các doanh nghiệp chạy cả trong nội thành thì xe taxi, xe buýt sẽ chở gì” – ông Chính nói.
Ông Lê Hoàng Minh cho biết, với mục tiêu nghe, hiểu, cố gắng tiếp thu trên cơ sở pháp luật, qua buổi họp này, những gì các DN đề nghị phù hợp với quy định pháp luật thì Sở GTVT sẽ tiếp thu và tổ chức thực hiện ngay.
Theo ông Minh, trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục yêu cầu Thanh tra sở phối hợp với PC67 tiếp tục triển khai kiểm tra, kiểm soát và xử phạt các hành vi vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM.
Ông Lê Việt Hà – Phó chánh thanh tra giao thông (Sở GTVT TPHCM) – cho biết, trong năm 2015, thanh tra giao thông phối hợp với CSGT đường bộ-đường sắt, công an TPHCM (PC67) đã xử phạt 2.140 vụ xe khách vi phạm với số tiền hơn 4,4 tỉ đồng. Riêng 2 tháng cuối năm 2015, xử phạt 1.297 vụ với số tiền hơn 2 tỉ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: dừng đỗ không đúng nơi quy định, xe khách tuyến cố định chạy không đúng lịch trình, vi phạm lệnh vận chuyển, đón trả khách tại nơi cấm dừng cấm đỗ, chở hành khách không có phù hiệu hoặc có nhưng hết hạn,…
Tin bài liên quan
-
Quảng Bình: Sau Tết, xử phạt hơn 300 xe khách vi phạm
-
Thanh Hoá: Bến xe khách đìu hiu ngày mùng 5 tết
-
Xe khách nhồi nhét, “thượng đế” ngồi luôn ghế tài xế!
-
Nghệ An: Quyết liệt xử lý xe khách lậu, chở quá số người, thu tiền sai quy định