Trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm, giá xăng trong nước liên tiếp giảm 4 lần, tổng cộng 2.278 đồng/lít (tức 16%), khiến các doanh nghiệp vận tải, hãng taxi có “cơ hội vàng” nhận lợi nhuận bổ sung vì giá cước vẫn được đa số doanh nghiệp kiên trì neo giữ (hoặc giảm nhỏ giọt 1-3%).
Lý do “xưa như... trái đất”
Điều cần nhấn mạnh rằng, các lý do được nêu ra trên đây đều khớp với những lý do mà các đơn vị vận tải thường nêu khi xin đăng ký lại giá mới để tăng giá mỗi khi giá xăng dầu tăng, dù chỉ vài phần trăm, chứ không phải chờ tới hàng chục phần trăm như khi giá xăng dầu giảm. Điểm khác chỉ là thời gian họ thực hiện tất cả các quy trình tăng giá rất mau chóng, gần như ngay sau khi có quyết định tăng giá xăng dầu, mà không cần bất kỳ cải cách thủ tục hành chính nào của cơ quan quản lý.
Nói cách khác, chính trách nhiệm xã hội, lợi ích cơ hội của ngành vận tải, kẽ hở pháp lý, năng lực và sự chủ động của cơ quan quản lý hữu quan là nguyên nhân hàng đầu kéo dài xu hướng chậm giảm giá cước vận tải suốt thời gian qua. Hệ lụy của việc chậm giảm giá cước không chỉ trực tiếp gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà còn khiến tác động tích cực từ giảm giá xăng dầu không tới được người dân và không giúp giảm chi phí vận tải trong chi phí sản xuất và áp lực lạm phát trong các hoạt động kinh tế - xã hội, không tạo xung lực tích cực cho tăng trưởng kinh tế, không giúp bù lại tác động mặt trái của giảm giá xăng dầu đến việc thu hẹp sản xuất, thu nhập xuất khẩu của ngành công nghiệp khai thác dầu thô quốc gia.
Quản lý và kiểm soát giá cước vận tải không thể chỉ bằng khuyến nghị và trông đợi vào sự tự giác của doanh nghiệp, mà cần gia tăng cả bàn tay thị trường và bàn tay nhà nước, theo đó:
Một mặt, cần tăng cường áp lực giảm giá từ thị trường nhờ cạnh tranh đầy đủ và lành mạnh thực sự giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải, cũng như tăng thông tin và cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn các dịch vụ với giá cả tương xứng với chất lượng mong muốn trong ngành vận tải;
Mặt khác, cần tăng cường bàn tay quản lý nhà nước các cấp đối với hoạt động của các doanh nghiệp vận tải theo phân cấp quản lý. Đặc biệt, cần bổ sung vào quy định quản lý giá cước vận tải trong Thông tư 152 hiện hành yêu cầu mang tính nguyên tắc về kê khai lại đăng ký giá cước mới gắn với khung thang biến động giá xăng dầu, tạo cơ sở pháp lý và áp lực hành chính buộc các đơn vị vận tải phải đăng ký lại giá cước mới trong khuôn khổ giá xăng dầu và thời gian triển khai nhất định. Các vi phạm về đăng ký và thực hiện giảm giá cước vận tải cần được nhận diện sớm, kịp thời và xử lý nghiêm khắc bằng những chế tài mạnh mẽ, cao hơn về tài chính và hành chính, tạo răn đe và thu hồi các lợi nhuận cơ hội mà doanh nghiệp thu được không chính đáng từ hành vi cố tình trì hoãn giảm giá cước vận tải.
Tăng cường giám sát, bảo vệ quyền lợi NTD
Trước tình trạng “trây ỳ” có hệ thống của các doanh nghiệp vận tải taxi, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính cần chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải và Sở Tài chính các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong rà soát, giảm thủ tục và chi phí kê khai giá cước, điều chỉnh đồng hồ côngtơmet; chủ động kịp thời yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải rà soát, cập nhật, kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu mới trên thị trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt theo quy định.
Các Hiệp hội Vận tải ôtô cần tuyên truyền, vận động doanh nghiệp đổi mới để thu hút khách hàng, giảm chi phí và công khai đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện việc kê khai và niêm yết giá cước theo quy định. Đối với taxi, cần nghiên cứu để cho các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh đồng hồ taximet để tránh việc chậm trễ, nhiêu khê, tốn kém. Nếu doanh nghiệp làm sai hay lạm dụng thì sẽ xử lý thật nghiêm.
Đặc biệt, cần tăng cường điều tra, xử lý các hiện tượng thông đồng, liên kết giá và lũng đoạn thị trường, bảo kê hoặc cố tình gây nhũng nhiễu trong kinh doanh và quản lý vì lợi ích nhóm, vi phạm các quy định của Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng….
Việc giảm giá cước không chỉ bằng khuyến nghị, mà cần theo cơ chế thị trường, có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước, đảm bảo lợi ích của người dân và xã hội. Một khi chi phí nhiên liệu chiếm 25-35% thì dứt khoát khi giá xăng dầu giảm, giá cước cũng phải giảm với biên độ và thời gian hợp lý.
Giảm giá cước vận tải là thước đo tinh thần trách nhiệm đối với xã hội trong văn hoá doanh nghiệp, văn hóa hiệp hội; đồng thời, đây cũng là thước đo mức độ hoàn thiện và năng lực, hiệu lực, hiệu quả cơ chế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước!