Bắc Kinh thúc đẩy sức mạnh thương mại và quân sự để thay đổi các điều khoản thương mại, ngoại giao và an ninh, nhằm thách thức trật tự dân chủ tự do.
Dưới cái nắng khắc nghiệt, một tá công nhân xây dựng Trung Quốc khảo sát khu đất trống rộng lớn của sa mạc, họ chuẩn bị biến nơi này thành trung tâm thủ đô mới của Ai Cập.
Những công nhân này được tập đoàn xây dựng lớn nhất Trung Quốc thuê, thông qua hợp đồng trị giá 3 tỷ USD từ một công ty Ai Cập, với sự tài trợ của các ngân hàng Trung Quốc. Họ dựng lên 21 tòa nhà chọc trời, mỗi cái phải cao bằng Empire State.
Liu Ping (ở giữa) - Chủ tịch Tập đoàn Nhà nước Bright Food của Trung Quốc, đang thử sữa chua địa phương tại một trang trại sữa gần Momchilovtsi (Bulgaria). Một nhãn hàng sữa chua của Bright Food được đặt tên theo ngôi làng.
Sự hiện diện của lao động Trung Quốc trong sa mạc Ai Cập rộng lớn là minh chứng cho khát vọng toàn cầu của nước này. Sau nhiều thế kỷ yếu kém và cô lập, Trung Quốc đang đòi lại điều mà các nhà lãnh đạo của họ xem như vận mệnh tự nhiên của dân tộc – đó là vị thế bá quyền ở châu Á và sự nể trọng trên khắp thế giới.
Thông qua các liên doanh tại Ai Cập và nhiều nước khác, Trung Quốc tận dụng thế lực kinh tế lớn mạnh của mình để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị, điều hướng đầu tư để tranh thủ sự ủng hộ của các chính phủ đang nắm giữ tài sản quan trọng.
Là đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, Ai Cập kiểm soát kênh đào Suez, một tuyến vận chuyển then chốt, nơi mà chỉ một sự đe dọa về tiếp cận có thể cản trở việc vận chuyển của Trung Quốc đến nhiều nơi trên thế giới. Nhờ xây dựng một phần trung tâm của thủ đô tương lai, Trung Quốc cố gắng tranh thủ sự ủng hộ từ "người gác cổng tối cao" của kênh đào – Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi. Trong khi đó, vị Tổng thống cho biết tầm nhìn lớn nhất của ông phụ thuộc vào mối quan hệ thân thiện với Bắc Kinh.
Các ngân hàng Trung Quốc cho vay 3 tỷ USD, tài trợ cho giai đoạn xây dựng đầu tiên của thủ đô Ai Cập mới. Giai đoạn này dự kiến sẽ hoàn thiện trong 3 năm. Giai đoạn hai dự kiến tốn 3,2 tỷ USD.
Trung Quốc vươn tới mở rộng thương mại, đi đôi với sự ảnh hưởng về ngoại giao. Mục tiêu đó chỉ dẫn cho một loạt chủ trương của nước này, từ mạng lưới đường sắt và đường cao tốc đang hình thành khắp châu Phi và Mỹ Latin cho đến các bến cảng và nhà máy điện được xây dựng ở Đông Âu và Nam Á. Tại Đông Nam Á, các doanh nhân Trung Quốc xây dựng nhiều công ty web. Họ cũng triển khai các dự án tăng cường sức mạnh quân đội ở biển Đông.
Chưa đầy một thập kỷ, sự khai thác của Trung Quốc đã vượt ra ngoài biên giới, chủ yếu mang năng lượng, khoáng sản và các tài nguyên khác về nước, thường là từ các quốc gia bị phương Tây bỏ rơi hay các quốc gia bên lề như Iran, Sudan và Myanmar.
Du khách Trung Quốc tại kim tự tháp Giza ở Ai Cập – nước này đang sử dụng công nhân và tài trợ từ Trung Quốc để xây dựng một thành phố thủ đô mới.
Trong chính sách đối ngoại của mình, Trung Quốc đã từng theo đuổi nỗi ám ảnh duy nhất là xóa bỏ sự công nhận chủ quyền với Đài Loan – hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình. Trung Quốc từng chấp nhận sự thống trị của Hải quân Hoa Kỳ, ngay cả trên các hòn đảo đang tranh chấp mà Trung Quốc giao tranh với các nước láng giềng.
Nhưng ngày đó qua rồi.
Từ góc độ của Trung Quốc, việc sắp xếp lại trật tự đơn thuần chỉ là sự đảo ngược trước một thực tế mang tính lịch sử, khi Bắc Kinh cần có vị trí tương xứng với tầm vóc của mình.
Theo cách nói của Đảng cầm quyền, lịch sử hiện đại Trung Quốc là câu chuyện mà ưu thế của người Trung Quốc giảm sút do sự suy đồi của thực dân. Trung Quốc là vùng đất phát minh ra la bàn, thuốc súng, giấy viết và công nghệ in ấn, họ từng tích lũy khối tài sản khổng lồ khi châu Âu vẫn còn mông muội.
Sau đó là những thế kỷ tủi nhục của nước này, chứng kiến Anh Quốc thu lợi bằng cách đưa thuốc phiện vào quần chúng, sự tàn bạo của Nhật Bản, những rao giảng về nhân quyền của người Mỹ. Ngày nay, Trung Quốc phấn đấu bảo đảm cho chính vận mệnh của mình.
“Trung Quốc muốn trở thành một thế lực vĩ đại trên thế giới”, ông Paul Heer cho biết. Ông từng là cựu Giám đốc Tình báo quốc gia của Hoa Kỳ tại Đông Á, hiện đang giảng dạy tại Đại học George Washington. “Họ nghĩ rằng phần còn lại của thế giới nợ họ một sự công nhận, và họ quay về với thứ mà người Trung Quốc coi là vị trí xứng đáng của mình”.
Không nơi nào thể hiện dự tính của Trung Quốc rõ như tại châu Á. Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của các quốc gia châu Á, đồng thời đẩy lùi thế thống soát của hải quân Hoa Kỳ trên biển Đông. Trung Quốc quấy rầy các liên minh của Hoa Kỳ trong khu vực, kể từ Nhật Bản đến Singapore và Australia. Vượt ra khỏi sân sau của mình, khát vọng của Trung Quốc là vô biên. Trung Quốc triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường. Chính sách này là hàng loạt dự án đầu tư cho cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới nhằm tái thiết Con đường Tơ lụa, tuyến đường mòn thời cổ đại được các thương nhân chuyên chở hàng hóa giữa châu Á và châu Âu khai mở.
“Tập Cận Bình đang lãnh đạo một Trung Quốc có ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách trên thế giới”, ông Zhang Baohui, giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Lingan ở Hồng Kông cho biết. “Khủng hoảng tài chính năm 2008 ở phương Tây là bước ngoặt đối với Trung Quốc. Bắc Kinh bắt đầu nắm lấy tư duy chiến thắng và theo đuổi vị trí lãnh đạo toàn cầu với một sự tự tin mới sau khi phương Tây bộc lộ những yếu điểm”.
Vai trò cứng rắn của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế xuất phát từ nhu cầu trong nước. Khi mở rộng các thị trường mới, tạo ra nhu cầu mới cho các nhà máy sản xuất thì tăng trưởng trong nước chậm lại. Trung Quốc dự phóng sức mạnh quân sự và sự ảnh hưởng do tính chính danh của Đảng cộng sản dựa trên củng cố phát triển kinh tế và vị trí trên trường quốc tế.