Gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn
Tập đoàn Liên Thái Bình Dương
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn sinh năm 1951 tại Nha Trang, đến năm 1974 sang định cư tại Philippines. Ông từng là thanh tra tài chính của hãng Boeing Mỹ. Hiện tại ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiểm Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP).
Theo tờ Lao động, tính từ thời điểm 1996 tới nay, tập đoàn IPP của ông đã đầu tư số vốn hơn 280 triệu USD vào 30 dự án, doanh số thu về hàng năm khoảng 460 triệu USD và tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động ở Việt Nam. Tên tuổi của ông được biết đến với tập đoàn kinh doanh đa quốc gia IPP, tập đoàn nắm giữ 30% thương hiệu thời trang nổi tiếng của thế giới ở Việt Nam với khoảng 70% thị phần tại thị trường Việt Nam.
Sau 33 năm, IPP có 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết; trên 100 thương hiệu trong 6 lĩnh vực kinh doanh và cũng có hơn 1.000 của hàng bán lẻ.
Hai công ty tên tuổi trong giới thời trang trung, cao cấp được quản lý bởi IPP là Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC). Trong đó, DAFC là đầu mối kinh doanh một loạt thương hiệu cao cấp như Armani Exchange, Burberry, Bvlgari, Cartier, Rolex, Versace... Còn ACFC là nhà phân phối những thương hiệu tầm trung-cao cấp như Tommy Hilfiger, GAP, Levi's, Diesel, Mango, Nike...
Hệ thống Imex Pan Pacific do gia đình ông Johnathan sở hữu và quản lý còn là đối tác nhận nhượng quyền của nhiều chuỗi nhà hàng như Thai Village, Illy Café, Burger King, Domino Pizza… Năm 2018, IPP mở cửa hàng ủy quyền cao cấp đầu tiên của Apple tại Việt Nam.
Ngoài IPP Group, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn từng sở hữu một công ty khác là Imex Asia Pacific International Limited.
Ngoài kinh doanh hàng hiệu, IPP Group còn là đơn vị nhận nhượng quyền các thương hiệu đồ ăn quốc tế vào Việt Nam như Burger King, Popeyes Chicken, Dunkin’ Donuts và Domino’s Pizza.
Năm 2018, vua hàng hiệu Hạnh Nguyễn đã bắt tay ông lớn KPop tìm kiếm, phát triển tài năng thành các ngôi sao toàn cầu. Ông vua này còn chính thức khai trương cửa hàng bán lẻ và cung cấp dịch vụ Apple mang tên eDiGi vào tháng 9 vừa qua tại TP.HCM.
Ngoài kinh doanh hàng hiệu thời trang và nhượng quyền các thương hiệu fast-food, ông Hạnh Nguyễn là người ghi dấu ấn đậm nét với ngành hàng không.
Từ cuối tháng 4/2017, ông Hạnh cũng là Chủ tịch HĐQT của công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO). IPP là cổ đông lớn nhất tại Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh – nhà đầu tư Dự án nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh có tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng, được đưa vào khai thác hồi tháng 6/2018. Ông cũng đề xuất đầu tư một số hạng mục như nhà ga hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất và đường băng sân bay Phú Quốc...
Không thể kể đến việc đầu tư và quản lý của IPP Group tại hàng loạt trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng miễn thuế tại sân bay và đầu tư bất động sản khách sạn, casino, khu nghỉ dưỡng.
Vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn là bà Lê Hồng Thủy Tiên hiện là Tổng giám đốc tập đoàn IPP Group, 2 con trai Louis Nguyễn và Phillip Nguyễn cũng tham gia vào hoạt động kinh doanh của IPP.
Gia đình bà Nguyễn Thị Điền
Công ty TNHH may thêu giày An Phước
Năm 1992, khi đang làm công việc cho một công ty xuất nhập khẩu nhà nước, bà Nguyễn Thị Điền quyết định rẽ hướng sự nghiệp, cùng chồng là ông Trần Chiến lập công ty riêng. Khởi nguồn là một xưởng may gia công xuất khẩu, sau hơn 25 năm phát triển, Công ty TNHH May thêu giày An Phước hiện là doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam với trên 7.000 nhân viên và 11 nhà máy khắp cả nước.
An Phước sớm ghi dấu ấn bởi việc gia công cho nhiều thương hiệu lớn như Pierre Cardin vào năm 1997. Không chỉ vậy An Phước còn mua lại nhiều công ty may, thời trang như Tân Bình (2008), GEBR.WEIS tại Đức (2010), nhà máy sản xuất Tomiya summit garment của Nhật tại Đồng Nai (2010), nhà máy FLD của tập đoàn SPATZ của Pháp tại Nha Trang (2013) chuyên sản xuất đồ lót thương hiệu Anamai và Bonjour.
Người kế nghiệp An Phước là Trần Minh Khoa, con trai của ông Chiến bà Điền. Anh Khoa sinh năm 1982, du học Mỹ từ năm 15 tuổi. Hiện anh đang làm phó tổng giám đốc công ty may thêu giày An Phước. Con gái út của gia đình bà Điền hiện đang theo học ngành thiết kế thời trang ở Mỹ.
Gia đình ông Đỗ Duy Thái
Thép Việt - Pomina
Xuất thân trong một gia đình trí thức, cha mẹ ông Đỗ Duy Thái là người kinh doanh nhỏ với một trại chăn nuôi và xưởng sản xuất trà mang tên Thiên Hương.
Từ đồng vốn nhỏ của gia đình, ông Thái làm đủ mọi thứ từ lốp xe lam, xe Honda, nút chai cho ngành y tế, đến rulo chà lúa cho máy xát gạo... Từ một xưởng sản xuất cao su nhỏ bé, trải qua 10 năm với hai lần liên doanh, ông Thái gầy dựng được nhà máy thép đầu tiên Pomina, sau đó chính thức được gọi tên Thép Việt với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD tại khu công nghiệp Phú Mỹ.
Hiện nay, ông Đỗ Duy Thái là chủ dự án nhà máy thép xây dựng với công suất 500.000 nghìn tấn/năm và dự án đầu tư xây dựng nhà máy tôn 600.000 tấn/năm… Theo thông tin do công ty này cung cấp, hiện Pomina chiếm 14% thị phần tiêu thụ thép tại Việt Nam với doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng 3 quý đầu năm 2018.
Gia đình ông có 12 anh em, tất cả đều làm việc trong công ty, và giữ nhiều vị trí chủ chốt. Ở một tầm vóc mới, Thép Việt đang chuyển từ quản trị gia đình sang quản trị khoa học. Hiện Đỗ Tiến Sĩ, em ông Thái đang làm Tổng giám đốc tại Thép Việt. Con gái ông Đỗ Duy Thái là Đỗ Duy Hiếu sau khi du học trở về cũng đang kế nghiệp cha ở vị trí giám đốc điều hành ở tập đoàn.
Gia đình ông Đỗ Minh Phú
Tập đoàn Doji, ngân hàng Tiên phong
Gia đình ông Phú vốn là gia đình có truyền thống 3 đời kinh doanh với thế hệ đầu tiên là cụ Đỗ Thế Sử. Năm 38 tuổi đang là Tổng biên tập báo Sơn Tây, cụ xin nghỉ để làm kinh doanh. Năm 62 tuổi nghỉ hưu, cụ Sử vẫn tổ chức sản xuất hàng may mặc sang Tiệp Khắc. Năm 73 tuổi cụ Sử lập Công ty May mặc Gamexco.
Ông Đỗ Minh Phú cùng người em trai là Đỗ Anh Tú từng gây dựng thành công thương hiệu nổi tiếng Diana cạnh tranh với thương hiệu ngoại Kotex, sau này được bán lại cho tập đoàn Unicharm với giá từ 180-200 triệu USD.
Doji hiện có 7 công ty con và 6 công ty liên kết góp vốn và dẫn đầu thị trường vàng miếng Việt Nam xét theo doanh thu.
Năm 2018, ông Phú đảm nhận chức vụ Chủ tịch Ngân hàng TPBank và theo quy định của luật Tổ chức tín dụng, ông sẽ không nắm giữ chức danh Chủ tịch 6 doanh nghiệp khác gồm DOJI, SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, Đá quý và Vàng Yên Bái, Bông Sen Đỏ, BĐS DOJILand.
Trong gia đình, các em ông là Đỗ Anh Tú, Đỗ Anh Tuấn, Đỗ Quốc Bình, Đỗ Xuân Mai, Đỗ Kim Dung đều tham gia vào công việc kinh doanh tại nhiều công ty khác nhau. Hai người con của ông Phú cũng đang nối nghiệp cha khi đảm nhiệm các công việc kinh doanh tại tập đoàn.
Gia đình ông Đặng Văn Thành
Thành Thành Công
Gia đình ông Đặng Văn Thành, bà Huỳnh Bích Ngọc ghi dấu ấn trong 3 lĩnh vực gồm: Ngân hàng, mía đường, bất động sản.
Trước khi rút khỏi Sacombank, ông Thành là người dẫn dắt ngân hàng này phát triển trong 20 năm từ hợp tác xã tín dụng Thành Công. Trong khi đó bà Ngọc lại được ví là nữ hoàng mía đường với việc điều hành tập đoàn mía đường có tầm ảnh hưởng lớn nhất hiện này là Thành Thành Công. Thành Thành Công được ông Thành sáng lập từ 26 năm trước với xuất phát điểm là doanh nghiệp kinh doanh cồn, mật rỉ.
Con cả Đặng Hồng Anh hiện là phó chủ tịch tập đoàn, phụ trách mảng bất động sản. Con gái Đặng Huỳnh Ức Mi của ông Thành hiện là người kế nghiệp và giữ chức vụ chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thành Thành Công và thành viên HĐQT CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh.
Gia đình ông Lý Ngọc Minh
Gốm sứ Minh Long
Gốm sứ Minh Long là một trong những thương hiệu gia đình danh tiếng nhất tại Việt Nam.Công ty này được ông Lý Ngọc Minh và người bạn là Dương Văn Long thành lập năm 1970.Lúc mới thành lập hai người vừa làm chủ vừa làm thợ để theo đuổi đam mê kinh doanh gốm sứ.
Năm 1990, Minh Long là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên nhận được giấy phép xuất khẩu. Trong 5 năm sau, tỷ trọng xuất khẩu của công ty có lúc chiếm 98% sản lượng. Đến năm 1994 Minh Long chuyển sang tập trung vào thị trường nội địa. Sau này Minh Long tách thành Minh Long 1 và Minh Long 2, ông Dương Văn Long đi theo hướng sứ công nghiệp.
Hiện gia đình ông Minh sở hữu 100% Minh Long 1. Bốn người con của ông là Lý Huy Sáng, Lý Khả Trân, Lý Huy Đạt, Lý Huy Bửu đều tham gia điều hành kinh doanh.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nga
Tập đoàn BRG, Seabank, Intimex
Bà Nga khởi nghiệp kinh doanh từ những năm 1980 với ngành kinh doanh xe máy. Bà Nga từng giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Techcombank trước khi giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Seabank. Ngoài tham gia Seabank, bà Nga còn là người đứng đầu tập đoàn đa ngành BRG.
BRG là tập đoàn kinh doanh lớn hiện đang điều hành những sân golf lớn như Kings’s Island Golf Resort, Legend Hill Golf Resort. Các công ty thuộc sở hữu gia đình bà Nga cũng đầu tư vào chuỗi khách sạn thương hiệu Hilton là Hilton Hanoi Opera và Hilton Hanoi Inn.
Tháng 4/2018 bà Nga thôi chức chủ tịch Seabank để giữ vị trí chủ tịch BRG. Ông Lê Hữu Báu, chồng bà Nga là tổng giám đốc tập đoàn.
Gia đình ông Vưu Khải Thành
BITI’S
Gia đình ông Vưu Khải Thành là một trong những doanh nghiệp gia đình gốc Hoa nổi tiếng tại Việt Nam bên cạnh những cái tên như Kinh Đô, Thiên Long, Minh Long, Đại Tiến Đồng,… Ông Thành khởi nghiệp thập niên 1980, thời điểm đất nước bắt đầu mở cửa với hai tổ sản xuất Bình Tiên và Vạn Thành. Hai hợp tác xã này sản xuất dép cao su xuất khẩu sang thị trường Liên Xô và các nước Đông Âu, sau đó phục vụ thị trường Tây Nam Trung Quốc và các nước Tây Âu. Có thời điểm doanh thu bình quan hàng năm tại thị trường Trung Quốc của Biti’s đạt khoảng 30%.
Đến thập niên 1990, Bình Tiên chuyển hướng sang tập trung thị trường nội địa và nhanh chóng trở thành thương hiệu số 1 dành cho học sinh, thiếu nhi với thông điệp nổi tiếng "Nâng niu bàn chân Việt".
Khoảng 3 năm trở lại đây, Biti's đã có sự trở lại khá ngoạn mục với những chiến dịch marketing thu hút sự chú ý mạnh mẽ, đặc biệt qua các kênh truyền thông xã hội. Thương hiệu này cũng mở rộng đối tượng khách hàng của mình đến nhóm thanh niên trẻ, thay vì giới hạn cho học sinh và thiếu nhi như trước.
Năm 2018 ông Thành trao lại chức vụ tổng giám đốc cho con gái đầu là Vưu Lệ Quyên, năm nay 39 tuổi.
Gia đình ông Trần Kim Thành, Trần Lệ Nguyên
Tập đoàn Kido
Từ một xưởng sản xuất nhỏ, hai anh em gốc Hoa Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên gây dựng nên tên tuổi Kinh Đô trong ngành thực phẩm. Bước đột phá của Kinh Đô đến từ việc 2 doanh nhân này đầu tư dây chuyền công nghiệp để sản xuất bánh trung thu- mặt hàng đem về phần lớn doanh thu cho mảng bánh kẹo của tập đoàn này. Kinh Đô còn nổi tiếng với việc mua lại thương hiệu kem Wall’s của Unilever.
Mặc dù là ông lớn ngành bánh kẹo nhưng năm 2014 Kinh Đô quyết định bán lại mảng kinh doanh truyền thống này cho tập đoàn Mondelez với giá khoảng 370 triệu USD và chuyển dịch sang hướng mới là sản xuất dầu ăn, mì gói, bột nêm. Tuy nhiên sau khi không còn kinh doanh bánh kẹo, Kido chỉ thực sự ghi dấu ấn với mảng dầu ăn thông qua việc mua cổ phần các công ty dầu lớn trên thị trường.
Hiện Kido là công ty nội địa nắm thị phần dầu ăn lớn nhất tại Việt Nam thông qua các công ty con, công ty liên kết như Dầu Tường An, Vocarimex, Dầu thực vật Cái Lân, Golden Hope Nhà Bè.
Gia đình ông Trần Quý Thanh
Tập đoàn Tân Hiệp Phát
Tân Hiệp Phát ra đời năm 1994, vốn là một công ty không tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất nước giải khát dần dần vươn lên thành tập đoàn với nhiều sản phẩm đồ uống được biết đến rộng rãi.
Theo số liệu của công ty VIRAC, năm 2017 tập đoàn này đạt doanh thu khoảng 7.000 tỉ đồng, chiếm 13% thị phần đồ uống không cồn tại Việt Nam sau Suntory PepsiCo.
Hiện công việc kinh doanh của Tân Hiệp Phát đang được chuyển giao điều hành sang 2 con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích.