“Tại sao cách mạng 4.0 được nói nhiều ở Việt Nam? Đây có phải là phong trào không? Đây là một cơ hội tuyệt vời, nhưng cái tôi sợ không phải là bao nhiêu người thất nghiệp, tôi chỉ sợ Việt Nam bị mất thời cơ”, đó là quan điểm của TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, tại Tọa đàm “Cách mạng 4.0 và cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam” (28/12) do ICT Press Club tổ chức.
Cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0” được nhắc đến nhiều trong các nghị quyết của Chính phủ cũng như xuất hiện trên báo chí. Tuy nhiên, theo các diễn giả trong buổi tọa đàm, Việt Nam còn thiếu những hành động cụ thể để nắm lấy cơ hội này. Trong bối cảnh dễ dàng tiếp cận với những công nghệ mới, Việt Nam có tham gia vào cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay một lần nữa “bỏ lỡ chuyến tàu” hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ quyết tâm hành động của chúng ta.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav, cho rằng cách mạng 4.0 là “sáng tạo không giới hạn”. Vì vậy, “chúng ta làm được gì phụ thuộc vào việc chúng ta mong muốn gì, tư duy gì” bởi Việt Nam hiện nay có thể tiếp cận các công nghệ mới như công nghệ vật liệu, bán dẫn, in 3D… tương tự như thế giới.
Ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, cho rằng để cách mạng 4.0 đi vào thực tiễn thì các nhà quản lý và các bộ ngành địa phương phải vào cuộc. “Tôi cảm giác là vẫn hô hào, nói về chủ trương nhiều nhưng chưa đi vào hành động cụ thể”. Theo ông Thắng, cuộc cách mạng 4.0 hiện nay có nhiều thuận lợi hơn so với thời điểm đưa Internet vào Việt Nam.
“Chúng ta nói rất nhiều về cách mạng 4.0 trong nông nghiệp, trong giao thông hay du lịch thì chính từng bộ ngành phải vào cuộc để kết nối giữa nhà nông, nhà khoa học với nhà kinh doanh”, ông Thắng cho biết. Điều này có nghĩa là từng bộ ngành phải có chính sách, chương trình hành động để đưa cách mạng 4.0 vào trong từng lĩnh vực cụ thể.
Ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc công ty cổ phần Công nghệ DTT, cũng bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi cực kỳ sốt ruột với tình hình Việt Nam. Singapore họ đặt vấn đề công nghiệp 4.0 rất đơn giản là có ngành công nghiệp nào mà họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong 4.0. Họ tính toán rằng có thể tăng được công nghiệp 20%. Họ quay trở lại làm công nghiệp bằng cách tái sản xuất (remanufacturing). Ngành công nghiệp này sẽ mang về cho Singapore 50 tỷ USD và đòi hỏi tất cả các kĩ nghệ cao nhất của 4.0. Đấy chính là cách mạng công nghiệp 4.0, mình nói xa xôi gì thì cũng phải làm ra tiền”.
Câu chuyện thứ hai mà ông Trung lấy ví dụ là ngành nông nghiệp của Úc. Nước này đầu tư vào dự án 200 triệu USD để tự động hóa từ nhà máy sản xuất đến khách hàng, đây được gọi là “nông nghiệp linh hoạt”. Ví dụ, máy móc sẽ tính toán người tiêu dùng sẽ tiêu thụ bao nhiêu cân cà chua tại các thành phố, siêu thị nào và trong thời gian nào. Và để đáp ứng nhu cầu đó thì cần bao nhiêu nhà máy ở khu vực nào, bắt đầu trồng từ lúc nào. Ông Trung nói “phải nắm được tất cả thông tin thị trường và trên cơ sở đó để quay trở lại điều khiển sản xuất”.
“Nếu mình nhìn “black factory” (nhà máy không có đèn vì máy móc làm việc thay con người) là tương lai thì hơi chậm. Cách mạng 4.0 phải lấy dữ liệu lớn của người tiêu dùng và quay trở lại điều khiển sản xuất, điều khiển phân phối”.
Theo các diễn giả, Việt Nam có thể đưa cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong những ngành mà nước ta có lợi thế như nông nghiệp và du lịch.
“Tất cả những gì cần làm trong 4.0, chúng tôi muốn các lãnh đạo có sự thay đổi và chuyển đổi chính sách. Gần đây bắt đầu có những thay đổi và hành động cụ thể”, ông Trung nêu ý kiến.