Từ mức vốn hoá 1,5 tỷ USD khi lên sàn 10 năm trước, FPT trải qua nhiều sóng gió giờ đây chỉ còn vốn hoá khoảng 840 triệu USD.
Hôm qua, ngày 13/12 là ngày kỷ niệm 10 năm cổ phiếu của Tập đoàn FPT được niêm yết trên sàn chứng khoán. 10 năm là một khoảng thời gian rất dài, đặc biệt là trong lĩnh vực liên tục đổi mới như công nghệ.
Nhìn vào những ông lớn công nghệ trên thế giới, Apple năm 2007 mới bắt đầu cho ra mắt iPhone thế hệ đầu tiên và giờ đây đã ra đến iPhone 7, và có hàng loạt sản phẩm mới như Apple Watch, iPad.
Facebook từ một vị trí khiêm tốn ít người biết, chủ yếu dành cho sinh viên, đến nay đã thành mạng xã hội hàng đầu thế giới với 1,8 tỷ người dùng mỗi tháng.
Microsoft năm 2006 cho ra mắt Windows Vista và giờ đây đã có đến Windows 10.
Ngược lại, cũng có rất nhiều cái tên đã gục ngã. Yahoo đóng cửa hàng loạt các dịch vụ và phải bán mình với giá rẻ mạt 5 tỷ USD. Thương hiệu điện thoại đình đám của Nokia bị khai tử, Black Berry cũng gục ngã khi không bắt kịp thị trường.
Vậy, 10 năm qua FPT thay đổi ra sao?
Không nằm ngoài xu hướng phát triển, quy mô của FPT cũng đã thay đổi rất lớn. Từ số vốn 608 tỷ đồng khi lên sàn chứng khoán, FPT giờ đây đã có vốn điều lệ gấp gần 8 lần, lên tới gần 4.600 tỷ đồng.
Tài sản của FPT cũng tăng mạnh, từ 3.400 tỷ đồng giờ đây đã là 26.400 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt, các khoản tương đương tiền, các khoản gửi tiết kiệm ngắn hạn của 10 năm trước chỉ 669 tỷ đồng thì nay đã lên tới gần 7.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quy mô lớn lên không đi kèm với hiệu quả tương xứng. Năm 2006, FPT đạt doanh thu 21.400 tỷ đồng thì năm 2015 doanh thu là 38.700 tỷ đồng. Sau 9 năm, doanh thu FPT mới chỉ tăng trưởng 80%. Thậm chí, từ một công ty công nghệ hàng đầu, giờ đây doanh thu FPT chủ yếu lại đến từ mảng bán buôn, bán lẻ điện thoại, máy tính.
Đáng buồn hơn, nếu nhìn lại 10 năm trên sàn chứng khoán, FPT thậm chí còn thụt lùi. Còn nhớ, FPT đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán với mức giá tròn trịa 400.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị của FPT trên sàn hơn 24.000 tỷ đồng. Khi đó, tỷ giá USD/VND mới chỉ ở mức 16.000 đồng/USD, có nghĩa FPT có giá trị vốn hoá lên tới 1,5 tỷ USD.
Giờ đây, tuy quy mô tăng 8 lần, nhưng giá trị của FPT trên sàn chứng khoán chỉ còn hơn 19.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 840 triệu USD, thấp hơn so với doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn là Thế Giới Di Động, hiện có giá trị 1 tỷ USD.
Có ý kiến cho rằng, sự chậm chạp của FPT một phần xuất phát từ sự cẩn thận của những người lãnh đạo cao tuổi, trong khi lĩnh vực công nghệ đổi mới với tốc độ quá nhanh.
Sau 10 năm, dàn lãnh đạo của FPT đã có nhiều thay đổi, nhưng có 3 cái tên vẫn gắn bó với Tập đoàn này ở các vị trí quan trộng nhất. Ông Trương Gia Bình vẫn là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Bùi Quang Ngọc vẫn là Phó Chủ tịch và ông Đỗ Cao Bảo vẫn là Uỷ viên. Trong đó, ông Bùi Quang Ngọc còn là Tổng giám đốc và ông Đỗ Cao Bảo là Phó Tổng giám đốc FPT.
Giờ đây, Hội đồng quản trị FPT từ 11 người chỉ còn lại 7 người, trong đó có tới 3 người là người nước ngoài. Nhiều cái tên đã rời khỏi Hội đồng quản trị, như ông Hoàng Nam Tiến, Trương Đình Anh, Lê Quang Tiến, Hoàng Minh Châu...
Cũng trong dịp 10 năm FPT lên sàn, ông Hoàng Nam Tiến mới đây có chia sẻ câu chuyện 10 năm trước trên trang facebook cá nhân: "Hôm đó, trong số 11 thành viên Hội đồng quản trị, chỉ có tôi vắng mặt. Cũng ở Sài Gòn, nhưng tôi đã quyết định không đến, vì sao thì chẳng hiểu, nhưng thực tâm tôi không thích. Đến giờ vẫn không giải thích được, ngày rất quan trọng, ngày chung vui... Nhưng thực sự tôi không thích".