Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Tiến sĩ ozone "chỉ mặt" 3 điều máy sục ozone lừa người tiêu dùng

Những lời quảng cáo hoa mỹ nhưng không đúng về máy sục ozone đã đánh trúng vào tâm lý sợ hãi thực phẩm bẩn của người Việt Nam.

Tiến sĩ ozone "chỉ mặt" 3 điều máy sục ozone lừa người tiêu dùng
Tại sao máy sục ozone lại được nhiều bà nội trợ "mê muội"?
Nhiều năm qua ở Việt Nam, tình trạng thực phẩm bẩn luôn là vấn đề gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng.
Vì hoang mang trước độ an toàn của thực phẩm, nhiều bà nội trợ đã không ngần ngại bỏ ra một số tiền lớn để mua máy sục ozone trước những những lời quảng cáo hoa mỹ như loại bỏ đến 99,9% vi khuẩn, thuốc trừ sâu và các chất độc hại khác.
Việc sử dụng máy ozone để làm sạch thực phẩm thậm chí đã trở thành một trào lưu phổ biến trong nhiều năm. Nhất là đối với các gia đình ở các thành phố lớn, việc có 1 chiếc máy sục ozone giá vài triệu đồng gần như là điều không thể thiếu trong bếp, mặc dù công dụng thực tế của loại máy này rất mù mờ.
Tại sao máy sục ozone lại được nhiều bà nội trợ "mê muội"?
Nhiều loại máy được quảng cáo là có thể khử tới 99% dư lượng hormone tăng trưởng và chất bảo quản trong thịt, cá, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, loại bỏ các chất bảo quản chống ấm mốc trong gạo. Điều này nhanh chóng gây ấn tượng với các bà nội trợ trong thời buổi thực phẩm bẩn đang là nỗi lo ngại.
Đồng thời, các nhà phân phối còn nói rằng máy sục ozone có khả năng xử lý khử khuẩn nước, loại bỏ mùi hôi các chất độc trong nước, diệt virus, vi khuẩn, vi sinh trùng, tế bào nấm mốc, tiệt trùng đồ vật đặc biệt đồ của trẻ nhỏ, khử mùi hôi không khí ở nhà vệ sinh, bếp ăn, phòng khách, phòng tránh các bệnh ung thư, ngộ độc thực phẩm...
Cùng với các lời quảng cáo "vống" lên đó là những clip ghi lại những sản phẩm như thịt, hoa quả, rau xanh được máy ozone sục tạo nên các vón cục, làm cho người tiêu dùng - trong bối cảnh lo sợ cho sức khỏe của cả gia đình - tin tưởng máy sục ozone.
Chưa hết, có một số doanh nghiệp còn thực hiện các quảng cáo gắn với hình ảnh các chuyên gia, một vài hãng thì thuê nghệ sĩ làm hình ảnh đại diện cho sản phẩm máy sục ozone.
Không chỉ thế, vài năm gần đây, dưới hình thức quảng cáo bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng, máy khử trùng ozone đã len lỏi về cả các vùng nông thôn. Rất nhiều người dân đã mua về dùng và tự tin hơn với bữa ăn gia đình đã được máy sục ozone xử lý, mà không hề biết rằng nếu không dùng đúng cách, loại máy này có thể gây hại cho sức khỏe.
Nhiều nhà sản xuất máy sục ozone đã lợi dụng tâm lý hoang mang của người dân trước cơn bão thực phẩm bẩn để tăng doanh số bán hàng. Dễ hiểu vì sao, với chiến dịch quảng cáo như vậy, sản phẩm này đã làm mưa làm gió trong mọi gia đình từ thành thị tới nông thôn.
Sự thật về máy sục ozone: "Lừa" người tiêu dùng ở 3 điểm
TS ozone Nguyễn Văn Khải
TS ozone Nguyễn Văn Khải
TS Nguyễn Văn Khải, người được mệnh danh là "ông già ozone" cho biết, cách quảng cáo của nhà sản xuất, phân phối máy sục ozone đã khiến người tiêu dùng hiểu lầm về công dụng của loại máy này như sau:
- Thứ nhất, thực tế máy ozone chỉ có tác dụng làm tiêu huỷ vi khuẩn, do khi chạy máy khí oxy từ ngoài vào có chứa nitơ tạo ra Oxit nitơ. Chất này tiêu diệt vi khuẩn chứ ozone không tiêu diệt được vi khuẩn.
- Thứ hai, về mặt lý thuyết cũng như tính chất lý hoá thì không có một chất nào có thể tác dụng với tất cả các hoá chất. Một số chất nhờ ozone có thể giảm độc tính nhưng một số chất thì không, thậm chí còn tăng độc tính.
Trong khi đó, người dân không ai biết trong thực phẩm của mình có chứa chất gì, có tác dụng như thế nào với ozone mà vẫn dùng nó, vô tình có thể tạo ra những chất độc hơn mà không biết.
- Thứ ba, ozone cũng không thể nào đẩy được kim loại, hoá chất từ thịt. Khi sục ozone các bọt khí tạo nên và các bọt khí này bám vào các thịt nhỏ bám ở bề mặt miếng thịt, miếng xương tạo nên các loại bọt cặn nhìn thoáng qua người ta tưởng đó là chất bẩn từ thịt đẩy ra nhưng thực tế thì không phải vậy.
Ngoài ra, để tạo được khí ozone, người ta cho luồng khí khô chạy qua hai điện cực (điện thế trên 4.000V) để tạo ra tia lửa điện khoảng 20kw (tương đương với một tia sét nhỏ). Sự phóng điện này sẽ sản sinh ra khí O3 hay còn gọi là khí ozone.
Tuy nhiên, quá trình phóng điện này còn tạo ra một chất khí là oxit nitơ rất có hại cho đường hô hấp. Oxit nitơ là một loại khí thải công nghiệp, ví dụ, nó xuất hiện khi vận hành xe máy (khói ở ống bô xe máy).
Thường xuyên hít phải khí này sẽ mắc bệnh mãn tính về tai, mũi, họng: viêm mũi , hen phế quản mãn tính, viêm kết giác mạc, viêm phổi mãn tính " nếu sử dụng ở phòng kín, diện tích chật nhỏ rất nguy hiểm.
Thế giới có "chuộng" máy ozone dùng trong gia đình không?
Khi chúng tôi thực hiện một cuộc tìm kiếm trên trang Google.com với cụm từ "máy khử trùng ozone" (ozone sanitizer), chỉ trong 0,26 giây đã cho ra 257.000 kết quả tìm kiếm.
Đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi đã nhận được thông tin về máy ozone làm sạch không khí trong gia đình, diệt khuẩn trong công nghiệp sản xuất nước, nước uống đóng chai và giết chết vi khuẩn, khử nấm, làm sạch các hóa chất độc hại bám trên bề mặt thực phẩm.
Về vấn đề khử trùng thực phẩm, chúng tôi chỉ tìm thấy thông tin máy ozone dành cho công nghiệp. Tuyệt nhiên, không một kết quả nào cho thấy máy khử trùng ozone được sử dụng trong hộ gia đình Mỹ.
Theo đó, tháng 6/2001, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức chấp thuận việc sử dụng ozone như một chất kháng khuẩn trong việc xử lý, lưu trữ và chế biến thực phẩm dưới dạng phun hoặc dạng nước.
Tiếp đến, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng chấp thuận sử dụng ozone với các loại thực phẩm thịt, gia cầm, các sản phẩm tươi sống, các thực phẩm mới qua chế biến hoặc trước khi đóng gói.
Theo trên trang web chính thức của FDA, máy ozone được sử dụng để giúp những thực phẩm như táo, nho, cam, lê, dâu tây, cá, thịt lợn, thịt gà, trứng, nấm… có tuổi thọ cao hơn vì ozone tiêu diệt vi khuẩn ở bề mặt thực phẩm.
Khí ozone cũng có thể ăn mòn kim loại và các vật liệu khác trong quá trình xử lý thực phẩm.
Cũng như các chất khử trùng khác, khí ozone cũng tạo ra chất độc. FDA đã đưa ra khuyến cáo về vấn đề sức khỏe với những công nhân thường xuyên tiếp xúc với loại khí này. Khí ozone dễ gây ra những bệnh về hô hấp như viêm phế quản, viêm mũi... chủ yếu ở hệ thần kinh và đường hô hấp.
Cuối cùng, FDA cũng nhấn mạnh khí ozon chỉ có thể phân hủy thuốc trừ sâu, vi khuẩn trên bề mặt thực phẩm.