Galaxy Note 7 có thể coi là đỉnh điểm của một xu hướng không mấy dễ chịu của thị trường smartphone đầu bảng thời gian gần đây.
Năm 2016 đã từng có thể trở thành "Năm của Samsung". Trong một năm mà ngay cả Apple lẫn Xiaomi đều cay đắng nhận thất bại vì sự xuống dốc của thị trường smartphone toàn cầu, Samsung vui mừng đón nhận thành công của Galaxy S7/S7 edge cùng quý kinh doanh thành công nhất trong suốt 2 năm trở lại. Trên thị trường smartphone, doanh số bết bát của LG G5 và sự mờ nhạt của HTC 10, Moto Z hay cho phép Samsung tiếp tục giữ vững vị thế là tên tuổi Android duy nhất có đủ khả năng đối đầu với Apple trên phân khúc cao cấp.
Thế rồi năm 2016 huy hoàng của Samsung bỗng dưng kết thúc trong một chữ "nổ". Sau khi nhận được hàng chục đơn khiếu nại từ người dùng về nguy cơ cháy nổ do Galaxy Note 7 gây ra, gã khổng lồ Hàn Quốc đã quyết định thu hồi 2,5 triệu chiếc phablet cao cấp này trên toàn cầu. Gần như chắc chắn, đợt thu hồi smartphone chưa từng có tiền lệ này sẽ gây ra hậu quả cực kỳ tai hại cho cả Samsung lẫn các đối tác trong chuỗi cung ứng và chuỗi phân phối.
Thực tế đáng buồn là sự cố của Note 7 chỉ là đỉnh điểm của một xu hướng không mấy dễ chịu đã trở nên cực kỳ rõ ràng trong năm 2 năm qua: smartphone đầu bảng càng ngày càng nhiều lỗi.
Lỗi camera của iPhone 6 Plus.
Hãy bắt đầu với đối thủ truyền kiếp của Samsung là Apple. Năm 2014, hai chiếc iPhone 6 và 6 Plus khiến cho người mua kém may mắn phải ngán ngẩm vì gặp phải vô số lỗi, từ nhỏ nhặt như... dứt tóc người dùng (kính màn hình không khớp với thân máy), xước dăm màn hình cho đến những lỗi "thảm họa" như bẻ cong khi bị... nhét vào túi quần. Điều đáng nói là thế hệ iPhone này có đến 3 lỗi xứng tầm thảm họa: Bendgate, camera rung nhòe 24/7 (do OIS trên iPhone 6 Plus) và liệt cảm ứng. Thậm chí, lỗi liệt cảm ứng diện rộng mới chỉ được phát hiện ra gần đây và cũng đã nhanh chóng khiến Apple trở thành bị đơn của một vụ kiện tập thể.
"May mắn" cho các iFan, thế hệ iPhone 6s và 6 Plus không gặp quá nhiều lỗi nghiêm trọng ngoại trừ một vài lỗi lặt vặt như tróc sơn hoặc hiển thị pin không chính xác. Song, năm 2016 rất có thể sẽ chứng kiến Apple làm mới thiết kế hoặc kích cỡ màn hình cho iPhone và truyền thống "thiết kế mới đi kèm với... lỗi nghiêm trọng" có thể hoàn toàn tiếp diễn một lần nữa.
Lỗi tản nhiệt của Snapdragon 810 trên HTC One M9.
Ở phía còn lại, thảm họa lớn nhất của thế giới Android không phải là một mẫu điện thoại cụ thể mà lại là một con chip: Snapdragon 810. Vội vã đuổi theo Apple trong cuộc đua ARM 64-bit, Qualcomm đã mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng khiến cho Snapdragon 810 gặp lỗi tản nhiệt, gây ảnh hưởng nặng nề tới doanh số của cả HTC One M9 lẫn Xperia Z3+/Z4. Cuối cùng, Sony phải muối mặt xin lỗi về sự cố (nhưng rồi vẫn buộc phải dùng Snapdragon 810 cho Z5/Z5 Compact và lại tiếp tục bị... quá nhiệt) còn One M9 thì gần như đã khép lại khả năng hồi sinh của HTC.
Thậm chí, dù đã tránh xa Snapdragon 810 nhưng LG vẫn bị ảnh hưởng bởi thảm họa này: 2 chiếc G4 và V10 buộc phải dùng chip Snapdragon 808 kém ấn tượng hơn hẳn so với Exynos của Samsung. Đáng chê trách hơn, không phải vấn đề nào của LG cũng có thể đổ cho Snapdragon 810 khi G4, V10 và G5 liên tiếp... đột tử. Do lỗi này có nguyên nhân là linh kiện bị quá nóng và bong tróc khỏi bo mạch chủ, cách sửa duy nhất là cho điện thoại vào... tủ lạnh để các bộ phận bên trong có thể "dính" lại với bo mạch chủ trên máy. Nghe như chuyện cười, nhưng lại là sự thật đau lòng với các fan của LG.
Bẻ Nexus 6P dễ như bẻ... kẹo lạc.
Tại Trung Quốc, Huawei trong năm đầu tiên được Google ưu ái mời sản xuất Nexus cũng gặp phải một loạt những lỗi chết người: kính bảo vệ camera bị vỡ, microphone mất tiếng, Bluetooth liên tục vấp khi nghe nhạc và buồn cười nhất là dễ bẻ cong như... thanh kẹo. Trong hai đoạn video do kênh YouTube nổi tiếng JerryRigEverything thực hiện, Nexus 6P thậm chí còn không hề uốn cong mà sẽ dễ dàng vỡ tách làm đôi với lực tay vừa phải.
Những ông lớn khác tại Đại Lục cũng chẳng khá khẩm hơn. Về tay Lenovo, Motorola những tưởng đã giải quyết được vấn đề kinh điển của smartphone cảm ứng là màn hình dễ vỡ thì chiếc Droid Turbo 2 lại liên tục gặp lỗi chết pixel. Ngụp lặn trong những vấn đề sáp nhập, Lenovo/Motorola đem đổ hết lỗi cho sự "bất cẩn" của người dùng trong khi rõ ràng lỗi này thuộc về nhà sản xuất. Không kém cạnh, trong vòng 3 ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 2016 Xiaomi liên tục chứng kiến điện thoại của mình phát nổ.
Xiaomi Mi 5 phát nổ tại Trung Quốc.
Nhưng đã nói đến "nổ" trong năm 2016 là nói đến Samsung. Từ trước đến nay, pin chính hãng và sạc chính hãng đã luôn là lớp bảo vệ cuối cùng của người dùng trước những sự cố cháy nổ do smartphone gây ra. Ấy vậy mà vào năm 2016, Samsung lại phải thu hồi hàng triệu mẫu smartphone đầu bảng do nguyên nhân cháy nổ. Đây thực sự là một thảm họa không thể tưởng tượng nổi, nhất là với một hãng smartphone đi đầu trên phân khúc cao cấp như Samsung.
Và nếu có bỏ qua chữ "nổ" thì kể từ khi thay đổi ngôn ngữ thiết kế với Galaxy S6/S6 edge cho tới nay, smartphone Galaxy cũng đã gặp phải quá nhiều sự cố: S6/S6 edge gặp lỗi ngốn RAM, S7 Active gặp lỗi không chống nước, Note 5 gây lùm xùm vì gặp lỗi thiết kế do không thể ngăn hư hại khi cắm ngược bút S-Pen... Ngay cả chiếc Note 7 xấu số của chúng ta trước khi bị thu hồi cũng gặp lỗi tự reset liên tục và lỗi màn hình dễ vỡ/xước hai bên cạnh.
Khởi đầu đen đủi của Galaxy Note 7.
Nếu để ý, bạn đọc sẽ thấy ở trên chúng tôi chỉ nhắc đến những lỗi thực sự rõ ràng và gần như không hề đề cập tới những "lỗi" mà người dùng lúc nào cũng muốn gán cho smartphone như pin nhanh hết, Wi-Fi kết nối kém hoặc bộ nhớ đầy quá nhanh. Và gần như toàn bộ những lỗi ở trên đều là những lỗi rất ít gặp từ thế hệ smartphone 2013 trở về trước, bao gồm cả những mẫu smartphone ra mắt từ khi các nhà sản xuất vẫn còn chập chững với ý tưởng cảm ứng đa điểm.
Điều này có nghĩa rằng khi smartphone ngày một bão hòa và thị trường cạnh tranh ngày một gay gắt hơn thì chất lượng smartphone cũng ngày một đi xuống. Tại sao? Kinh doanh khó khăn nên các hãng cắt giảm các hoạt động kiểm soát chất lượng để giảm chi phí? Smartphone đã hết "hot" nên các hãng tìm cách giảm đầu tư và chuyển sang các lĩnh vực khác? Không ai biết lý do, nhưng người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ phải chịu thiệt.