Tổ công tác Phú Quốc (thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) vừa có báo cáo 2 năm thực hiện các chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc. Theo Tổ này, mặc dù đã có những ưu đãi, đầu tư lớn, nhưng hiện nay, ở huyện đảo này, nguồn thu vẫn chưa đủ bù chi...
Cụ thể, theo Tổ công tác Phú Quốc, trong 2 năm qua, đã có rất nhiều nguồn lực đầu tư cho huyện đảo Phú Quốc.
"Trong 2 năm, đã chấp thuận đầu tư cho 65 dự án, với diện tích 1709 ha, lũy kế đến nay đã thu hút 236 dự án với qui hoạch diện tích 10.179 ha", tổng vốn đầu tư trên 311.826 tỷ đồng", Tổ này cho biết.
Một khu khách sạn, nghỉ dưỡng mới được đầu tư ở Phú Quốc
Đã có hàng loạt dự án đầu tư có qui mô lớn vào Phú Quốc chỉ trong 2 năm qua: Khu du lịch Vinpearl Phú Quốc của Tập đoàn Vingroup với tổng vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng, Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Bãi Khem Mặt trời Phú Quốc của Công ty TNHH MTV Mặt trời Phú Quốc với vốn đầu tư đăng ký 6.200 tỷ đồng, dự án Crowne của Bim Group với số vốn 1.448 tỷ đồng...
Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg cua Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc cũng đã cho phép áp dụng hàng loạt chính sách mở cho huyện đảo của tỉnh Kiên Giang: miễn thị thực khi nhập cảnh đến Phú Quốc trong vòng 30 ngày; điều chỉnh tăng diện tích đất phục vụ du lịch lên trên 4000 ha; đầu tư nhiều công trình hạ tầng trọng điểm: đường giao thông, dự án cấp nước, cảng biển...với số vốn lên tới hàng ngàn tỷ đồng...
Riêng vốn do ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu trong 2 năm qua cho Phú Quốc đã đạt 2.874,5 tỷ đồng.
"Có thể nói, các chính sách ưu đãi đầu tư vào Phú Quốc 2 năm qua vào Phú Quốc đều ở mức cao nhất như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, ưu đãi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất...", ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, kiêm Tổ trưởng Tổ công tác Phú Quốc đưa ra nhận xét.
Tuy nhiên, cũng theo ông Quang, việc áp dụng nhiều quy định, chính sách hiện nay áp dụng cho Khu kinh tế Phú Quốc bị hạn chế đáng kể do có những điểm chưa hoàn thiện, chồng chéo, chưa thống nhất với luật chuyên ngành khác. Nhiều bộ, ngành Trung ương còn chưa thực hiện các điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành: giao thông, du lịch-thương mại, môi trường, điện...cho vùng đảo này.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Phong Quang cho biết, có những chính sách như cho phép chỉ định thầu với công trình trên đảo Phú Quốc đã không thực hiện được vì không phù hợp với Luật Đấu thầu (qui định công trình dưới 1 tỷ đồng mới được chỉ định thầu).
"Cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Phú Quốc vẫn chưa hoàn thiện, đồng bộ. Tuy nhiều dự án cơ sở hạ tầng đã được duyệt nhưng thiếu vốn triển khai, giải phóng mặt bằng khó khăn ...nên nhiều dự án triển khai chậm", Tổ công tác Phú Quốc nêu.
Theo ông Nguyễn Phong Quang, để hoạt động đầu tư, phát triển Khu kinh tế Phú Quốc thời gian tới được đẩy mạnh thì Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành sớm điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành tại Phú Quốc; có cơ chế đặc biệt riêng về thủ tục hành chính với hoạt động đầu tư, xây dựng trong khu kinh tế này và cho phép áp dụng cơ chế để lại nguồn thu để địa phương chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng.
Đáng chú ý, ông Nguyên Phong Quang, thay lời cho Tổ công tác Phú Quốc còn đề xuất Quốc hội sớm thông qua đề án "Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc" với những thể chế chính sách vượt trội hơn nữa để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, tạo động lực phát triển cho huyện đảo của tỉnh Kiên Giang.
Hà Nguyễn