Dòng vốn quốc tế biến động khó lường là một trong những yếu tố ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý nhà đầu tư (NĐT) trong nước. Đây cũng là diễn biến chung đang diễn ra trên thị trường Châu Á khác, chứ không riêng gì Việt Nam.
Theo dõi diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước, từ tháng 8.2015 đến tháng 2.2016, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 7 triệu chứng khoán trên sàn TPHCM, với giá trị khoảng hơn 4,1 nghìn tỉ đồng. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2016, xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn là xu hướng chủ đạo trên sàn TPHCM, khi tháng 1.2016, giá trị bán ròng của các NĐT nước ngoài đạt hơn 1,2 nghìnđồng và tháng 2.2016 bán ròng hơn 200 tỉ đồng. Mặc dù trong tuần đầu tháng 3, NĐT nước ngoài đã có động thái mua ròng, nhưng hiện chưa có gì để đảm bảo chắc chắn việc mua ròng của khối ngoại sẽ tiếp tục duy trì lâu dài trong giai đoạn 1 đến 2 tháng tới.
Chia sẻ với các NĐT Việt Nam mới đây, ông Yun Hang Jin - chuyên gia cao cấp thuộc CTCP chứng khoán KIS cho biết, động thái của các NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam cũng đang chịu tác động chung của trên các thị trường mới nổi. Theo đó, động thái điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là một trong những yếu tố tác động khá mạnh lên hành động của giới đầu tư quốc tế.
Trong lần điều chỉnh gần đây nhất, FED đã tăng lãi suất vào tháng 12.2015 và sự điều chỉnh lãi suất của FED cũng đã có những tác động không nhỏ lên dòng vốn trên thị trường tài chính quốc tế. Theo tính toán của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, trong năm 2015, có tới 540 tỉ USD bị các NĐT quốc tế rút ra khỏi các thị trường mới nổi, nếu tính cả 2 năm 2014 và 2015 thì có tới 1.000 tỉ USD bị rút vốn.
Tuy nhiên, động thái lãi suất của FED được dự báo có thể sẽ không dừng lại trong năm 2016. Theo ông Yun Hang Jin, có khả năng FED sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 2 lần nữa vào tháng 6 và tháng 12 tới, với tổng cộng mức tăng thêm khoảng 50 điểm phần trăm. Tâm lý lo ngại của giới đầu tư quốc tế trước khả năng tăng lãi suất của FED có thể sẽ tiếp tục làm cho đồng USD mạnh lên trong nửa đầu năm dẫn đến tâm lý rời bỏ các khối tài sản có rủi ro cao.
Theo dự đoán của ông Yun Hang Jin, sau khi bán ròng, quy mô dòng vốn chảy vào TTCK trong nước sẽ tăng nhẹ vào khoảng cuối quý II. Mặc dù vậy, một số chuyên gia tài chính trong nước lại có những quan điểm lạc quan hơn khi cho rằng, tác động của dòng vốn quốc tế sẽ không ảnh hưởng quá xấu đối với chứng khoán trong nước.
Ngoài những yếu tố liên quan đến dòng vốn quốc tế, hiện tại thị trường cũng chịu ảnh hưởng đan xen của nhiều yếu tố trong nước khác. Trong đó, các yếu tốc tích cực gồm có việc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, quy định về nới “room” (tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài) đang được thực thi... Ngoài ra, một số chính sách của TTCK cũng có thể sẽ tác động tích cực trực tiếp lên thị trường như việc mở cửa TTCK phái sinh sẽ được thực hiện trong năm 2016 hoặc việc cho phép giao dịch mua bán chứng khoán trong ngày...
Tuy nhiên, đan xen cùng các yếu tố thuận lợi, hiện một số yếu tố bất lợi cũng song hành cùng TTCK trong nước trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2016. Trong đó, đáng chú ý là động thái Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng đang đẩy mạnh nỗ lực thu hồi nợ có thể sẽ gián tiếp gây ảnh hưởng xấu lên cung cầu thị trường.
Trong khi đó, động thái nới room tuy có tác động tích cực nhất định, nhưng hiện đối tượng vẫn còn hạn chế và nhiều ngành nghề chưa xác định rõ ràng về room vẫn đang trong trạng thái nghe ngóng đợi chờ nên những tác động tích cực hiện tại từ nới room vẫn chỉ nằm trong một nhóm cổ phiếu nhỏ đã xác định được rõ ràng về room.