Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Sắp đến Tết và ngày Thần Tài, khách hàng cần lưu ý gì khi giao dịch vàng miếng?

Khách hàng khi mua vàng không nên vội, phải cẩn thận kiểm tra đầy đủ series, từng đường nét, hoa văn, chữ, dấu trên miếng vàng. Nếu chưa có kinh nghiệm, có thể nhờ nhân viên hướng dẫn cách phân biệt vàng thật, vàng nhái một cách chi tiết, hoặc yêu cầu cân vàng trước khi nhận...




Kể từ khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chính thức có hiệu lực kể từ ngày 25/05/2012, thị trường vàng miếng tại Việt Nam có nhiều chuyển biến. Nhìn chung, kể từ khi độc quyền về vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đạt được mục tiêu bình ổn thị trường. Tuy nhiên, qua hơn 6 năm "thống nhất thị trường vàng miếng", người giao dịch trên thị trường cũng còn không ít những khó khăn.

Khó khăn không biết tỏ cùng ai

Thứ nhất, mặc dù NHNN độc quyền phát hành và cung ứng vàng miếng SJC trên thị trường. Nhưng NHNN hoàn toàn không công bố đặc điểm bảo an của vàng miếng như đối với tiền VNĐ. Cho đến bây giờ, việc phân biệt vàng miếng SJC thật hay vàng nhái chỉ trông chờ vào niềm tin và kinh nghiệm. Thậm chí, nhiều nhân viên tiệm vàng có thâm niên và kinh nghiệm nhưng đôi khi vẫn phải qua các ngân hàng nhờ kiểm tra lại vàng miếng SJC là thật hay nhái. Trong khi, các thủ quỹ ngân hàng cũng cảm nhận bằng kinh nghiệm được rút ra sau những lần thu phải vàng SJC nhái.

Mặc dù Công ty SJC cũng có nhiều khuyến nghị chỉ dẫn phân biệt vàng thật và vàng nhái SJC như: bao bì ánh kim phản quang, ký tự số seri, móng hình chân rồng, đường nét trên râu rồng, sừng rồng trong hoa văn trang trí của vàng miếng SJC và nhiều chi tiết khác,... Tuy nhiên, khác với vàng nữ trang, vàng miếng SJC được đựng trong bao bì nên không thể dùng xúc giác hay thiết bị điện tử để kiểm tra như vàng nữ trang được mà chủ yếu phải dùng thị giác và "cảm giác" tinh tế của những người trong nghề. Và chính bởi sự phức tạp đó, người dân chỉ còn biết phó thác và đặt trọn niềm tin tại tiệm vàng hoặc các đại lý SJC hay các ngân hàng có kinh doanh vàng miếng SJC. Chênh lệch giá 1 lượng vàng SJC thật và SJC nhái dao động tầm 4 đến 6 triệu đồng. Và cuộc chiến với vàng nhái như một trò chơi may rủi, vàng nhái SJC (nếu có) vô tình chuyền từ tay người này sang người khác và người nắm giữ sau cùng sẽ là người chịu thiệt thòi nhất khi bị Công ty SJC phát hiện là vàng nhái.

Thứ hai, trong vòng 6 năm từ khi độc quyền, SJC có nhiều lần thay đổi bao bì. Biết là mỗi lần thay đổi bao bì, SJC đều thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, không phải khách hàng và người dân nào cũng có thể cập nhật thông tin kịp thời để đổi vàng bao bì mới. Chênh lệch bao bì mới và bao bì cũ không đáng kể, chỉ khoảng vài chục ngàn đồng (hiện nay hầu hết các ngân hàng thu từ 24.000 đồng/lượng đến 38.500, các tiệm vàng trên thị trường không phải Chi nhánh SJC thu từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng cho mỗi lượng vàng bao bì cũ). Thậm chí nhiều nơi không thu mua vàng bao bì cũ, kể cả một số ngân hàng có chức năng mua bán vàng miếng cũng nhiều khi từ chối mua vàng bao bì SJC cũ của khách hàng. Bởi các ngân hàng kinh doanh vàng SJC là quan hệ mua đứt bán đoạn với SJC chứ không phải quan hệ đại lý của SJC nên các ngân hàng không muốn vướng chi phí tồn quỹ và các thủ tục phát sinh liên quan đến đổi và dập bao bì mới với Công ty SJC. Cuối cùng, khách hàng và người dân - những người tưởng chừng là thượng đế vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi hơn cả.

Thứ ba, ngoài phí bao bì, SJC còn thu phí xà xẻo vàng rất cao (tức là vàng bị mất góc). Mức thu phí vàng bị xà xẻo hiện nay khoảng 165.000 đồng/miếng. Thật ra việc phân biệt vàng đủ tiêu chuẩn lưu thông hay không, có bị xà xẻo hay không cũng là một hình thức làm khó cho khách hàng. Ngay cả nhân viên SJC, thủ quỹ ngân hàng có nhiều kinh nghiệm, hàng ngày tiếp xúc hàng trăm, hàng ngàn lượng vàng cũng không đủ tự tin để có thể đảm bảo kiểm tra vàng đủ chất lượng tuyệt đối. Và tại các ngân hàng, hiện nay trong công tác ngân quỹ, hầu hết các thủ quỹ, kiểm ngân đều không cảm thấy tự tin khi kiểm đếm vàng. Vàng SJC do Việt Nam phát hành, nhưng chính người dân Việt Nam cũng không tự tin để kiểm định thật, giả so với việc kiểm định ngoại tệ do ngân hàng nước ngoài phát hành. Người dân hoàn toàn rất khó đủ kinh nghiệm và sự tinh tế để kiểm tra từng mép cạnh miếng vàng SJC để xem nó có bị xà xẻo khi mua hay không.

Thứ tư, cũng giống như hành vi mua bán ngoại tệ trái phép, hành vi mua bán vàng miếng trái phép cũng bị phạt nặng theo quy định tại Nghị định 96. Cụ thể, tại điểm d khoản 2 Điều 25 Nghị định 96, khách hàng sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng nếu thực hiện mua bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép mua bán vàng miếng. Nhưng việc xác định tiệm vàng nào có chức năng mua bán vàng miếng cũng không phải dễ dàng đối với người dân. Và nếu cơ quan chức năng quyết liệt xử lý, tin rằng sau vụ bán 100 USD bị phạt 90 triệu đồng sẽ là nhiều vụ bán 1 chỉ vàng SJC bị phạt 60 triệu đồng...

Thứ năm, hiện nay chưa thấy cơ quan chức năng đứng ra kiểm định và chịu trách nhiệm về chất lượng vàng miếng SJC. Cụ thể, có nhiều trường hợp bao bì, nhãn mác vàng miếng SJC là thật, do chính Công ty SJC gia công và phát hành. Tuy nhiên, khách hàng vẫn bị thu phí xà xẻo nếu miếng vàng đó có vết bị xà xẻo. Thêm nữa, có nhiều trường hợp, miếng vàng SJC bị thiếu dấu huyền (chỗ chữ VÀNG - thay vì đủ khuôn là chữ VÀNG thì khi in chỉ ra chữ VANG) hoặc thiếu dấu nặng chỗ chữ LƯỢNG (thay vì đúng là 01 LƯỢNG nhưng khi đúc ra miếng vàng lại là 01 LƯƠNG). Rõ ràng, việc đóng nhãn mác bao bì SJC là do chính Công ty SJC thực hiện, nhưng khi miếng vàng bị thanh khoản yếu, bị từ chối mua bán hoặc bì thu phí thì chiếc bao bì đó không phải là tem bảo hành cho chất lượng sản phẩm. Có thể khi nói đến đây, Công ty SJC sẽ có ý kiến đề nghị người dân nên đem những trường hợp này đến các Chi nhánh của SJC để kiểm định. Nhưng rõ ràng, hiện nay các ngân hàng và tiệm vàng mới chiếm số lượng giao dịch phổ biến nhất vàng SJC chứ không phải các Chi nhánh SJC. Và chi phí đi lại để kiểm định nhiều khi lợi bất cập hại so với việc ngậm ngùi chịu mất một khoản phí còn hơn là đi kiểm định tại Công ty SJC.

Thứ sáu, chính sự độc quyền nên nhiều khi SJC tự phân biệt giá vàng. Cụ thể, trước đây SJC có tình trạng thu mua vàng series 1 ký tự thấp hơn series 2 ký tự. Cũng đồng thời là vàng do SJC sản xuất, cùng trọng lượng và chất lượng như nhau. Nhưng vàng SJC series 1 chữ (theo mẫu cũ) luôn có giá thu mua thấp hơn vàng có series 2 ký tự alpha trước vần số series. Thật ra, việc đặt số series có 1 ký tự hay 2 ký tự là chữ cũng do chính SJC quyết định chứ không phải là yêu cầu của thị trường hay của khách hàng. Vậy ai cho phép sự mặc nhiên phân biệt giá giữa vàng series 1 chữ và 2 chữ? (đối với vàng SJC 1 lượng hiện nay gồm có 2 chữ cái đầu và dãy 5 số. Ví dụ: FM41637. Còn trước đây, SJC chỉ đúc vàng 1 ký tự. Ví dụ: A24732). Chỉ khác nhau mỗi việc 1 ký tự hay 2 ký tự mà SJC đã làm khó biết bao khách hàng.

Thứ bảy, NHNN và các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dường như chưa thật sự quan tâm đến những khó khăn như đã nêu ở trên của người dân, của khách hàng khi giao dịch mua bán vàng miếng SJC. Sự độc quyền để bình ổn thị trường vàng là có thể thông cảm, nhưng không vì thế mà SJC đẩy tất cả cái khó cho khách hàng.



Giao dịch vàng miếng rất dễ bị thu thêm phí, mà mức phí ở mỗi điểm mua bán lại không giống nhau (ảnh minh họa)

Khách hàng cần làm gì để tự bảo vệ mình trong các giao dịch mua bán vàng miếng SJC?

Mặc dù hiện nay, vàng miếng không phải là kênh đầu tư hấp dẫn so với gửi tiết kiệm tại ngân hàng, mua bán chứng khoán, bất động sản hoặc các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, nếu vẫn thích đầu tư vàng miếng, khách hàng nên lưu ý một số nội dung sau:

Một là, tuyệt đối không nên mua vàng miếng SJC tại các tiệm vàng nhỏ, không có uy tín và không có giấy phép kinh doanh vàng miếng. Để thuận tiện, khách hàng nên mua tại các Chi nhánh Công ty SJC, các điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại để đảm bảo an toàn. Hiện nay, có rất nhiều ngân hàng có giấy phép mua bán vàng miếng SJC như Eximbank, Sacombank, SCB, Techcombank,...Với mạng lưới rộng của các ngân hàng, khách hàng không khó để tìm nơi giao dịch vàng miếng. Giá mua bán vàng miếng tại các ngân hàng được công khai và được NHNN kiểm soát chặt chẽ, chứng từ được lưu trữ đầy đủ hơn rất nhiều so với các tiệm vàng bên ngoài. Và thêm nữa là an ninh tại các ngân hàng thường tốt hơn so với các tiệm vàng.

Hai là, khi mua bán vàng miếng, khách hàng nên đề nghị Công ty SJC hoặc các ngân hàng lập hóa đơn, chứng từ thể hiện giao dịch và ghi rõ số series từng miếng vàng để làm cơ sở đối chiếu. Khách hàng khi mua vàng không nên vội, phải cẩn thận kiểm tra đầy đủ series, từng đường nét, hoa văn, chữ, dấu trên miếng vàng. Nếu khách hàng chưa có kinh nghiệm, có thể nhờ nhân viên ngân hàng hướng dẫn cách phân biệt vàng thật, vàng nhái một cách chi tiết. Cẩn thận hơn, khách hàng có thể đề nghị ngân hàng dùng cân vàng để cân khi nhận vàng từ ngân hàng. Sau khi trừ khối lượng bao bì, khách hàng vẫn có thể ước tính một cách tương đối chính xác số miếng vàng SJC thông qua cân điện tử chuyên dụng tại các ngân hàng. (một lượng vàng SJC chuẩn nặng 37,5 gram)

Ba là, khách hàng nên lưu giữ cẩn thận toàn bộ chứng từ mua vàng để việc bán vàng sau này thuận tiện và nhanh chóng hơn. Nếu thất lạc chứng từ, thật ra các ngân hàng cũng có thể tra soát được, nhưng mất thời gian và làm ảnh hưởng đến cơ hội được bán với giá cao (do giá vàng luôn biến động). Còn tại các tiệm vàng, nếu khách hàng không có chứng từ, thì rất ít tiệm vàng chịu trích lục lại cho khách hàng mà họ thường mua với giá thấp hoặc từ chối thu mua nếu vàng không đảm bảo chất lượng (mặc dù bạn mua tại chính tiệm vàng đó, nhưng khi bạn không còn chứng từ chứng minh thì chịu).

Bốn là, nếu khách hàng không biết cách gập miếng vàng thì không nên lấy vàng liền dây (thường 1 dây SJC có 14 lượng). Mà khách hàng nên nhờ nơi bán vàng lẻ từng miếng để tránh bị rách bao do quá trình bảo quản không đúng cách. Khách hàng thường có tâm lý hết sức sai lầm là vàng "nguyên đai nguyên kiện" liền dây là đảm bảo chất lượng. Nhưng thật sự không phải như vậy, có nhiều dây vàng do SJC dập khuôn vẫn bị lỗi như thiếu dấu hay bị xà xẻo. Do bao bì mới về sau của SJC giòn rất dễ gãy, nên tần suất gia công và tái đúc bao bì của SJC lớn. Từ đó cũng ảnh hưởng đến các khâu kiểm tra trước khi dập bao bì mới.

Năm là, về tính hiệu quả, khách hàng chỉ nên mua bán vàng tại các ngân hàng có kinh doanh vàng miếng SJC hoặc Công ty SJC. Vì đây là những nơi có giá mua vào hay bán ra cạnh tranh nhất trên thị trường. Đặc biệt các ngân hàng luôn có giá thấp hơn so với các tiệm vàng. Hầu hết các tiệm vàng ở các địa phương (có hay không có giấy phép kinh doanh vàng miếng SJC) đều mua vàng SJC tại các ngân hàng và bán lại cho khách hàng và hưởng biên độ chênh lệch khá cao. Cụ thể, nếu biên độ giá mua vào - bán ra của các ngân hàng dao động từ 1.000 đến 2.000 đồng/chỉ thì tại các tiệm vàng sẽ là 5.000 đồng đến 10.000 đồng/chỉ. (Do các ngân hàng phải công bố tỷ giá cập nhật liên tục và bắt buộc theo quy định, còn các tiệm vàng bán không bị kiểm soát tỷ giá sát sao như ngân hàng). Tuy nhiên, hạn chế nhất của các ngân hàng là không giao dịch vào chiều Thứ Bảy và ngày Chủ Nhật như các tiệm vàng. Nhưng thực tế cho thấy, giá vàng cũng ít biến động vào thời điểm ngày nghỉ cuối tuần trừ những ngày đặc biệt như ngày vía thần tài Mồng 10 tháng giêng âm lịch.