Goldman Sachs, Citigroup, JPMorgan và Credit Suisse đồng loạt huỷ bỏ thoả thuận làm bảo lãnh cho các công ty P2P của Trung Quốc do lo ngại về triển vọng đầy bất ổn.
Đầu tiên, các công ty P2P của Trung Quốc phải đối mặt với động thái trừng trị thẳng tay của chính phủ trong nước, các khoản vỡ nợ tăng mạnh và hàng loạt công ty phá sản. Còn bây giờ, họ đang chứng kiến một dấu hiệu đáng lo ngại khác đối với cả ngành công nghiệp, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới đã ngừng bảo lãnh cho các công ty này "lên sàn".
Các "ông lớn" ở Phố Wall, trong đó có Goldman Sachs và Citigroup, đã "quay lưng" lại với các nhà cho vay P2P của Trung Quốc trong vài tháng gần đây, theo một nguồn thạo tin. Tâm lý lo ngại của các ngân hàng này chủ yếu xuất phát từ điểm rơi của những thương vụ này, khi mà triển vọng của các công ty P2P không ổn định và thị trường lao dốc kéo tụt các mức định giá. Thông thường, các công ty sẽ lên sàn sau khi tìm được nhà bảo lãnh phát hành mới.
Đây là một động thái hiếm hoi thể hiện mối lo ngại của các ngân hàng lớn, càng làm rõ những gì ngành này phải đối mặt - một lĩnh vực đã khiến cuộc sống của nhiều người điêu đứng, từ các nhà cho vay, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý. Dù thi thoảng, các đơn vị bảo lãnh cũng huỷ bỏ một số thương vụ, nhưng việc nhiều trường hợp xảy ra trong khoảng thời gian ngắn như vậy lại là bất thường. Đó là tình thế cực kỳ bất ngờ đối với một lĩnh vực từng được coi là "hot" nhất ở Trung Quốc.
"Vai trò là một trung tâm fintech của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể kể từ khi những thay đổi về quy định được áp đặt, mối quan hệ chính trị với phương Tây đã dần ảm đạm và tăng trưởng kinh tế giảm tốc", Mark Williams, cựu nhân viên giám định ngân hàng tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed), nói. "Các nhà đầu có thể nắm bắt nhiều cơ hội vào các đợt IPO của fintech trong năm 2017, nhưng hiện tại họ đều do dự vì tỷ lệ thành công đã giảm và ngày càng nhiều bất ổn."
"Hình thức cho vay P2P tại Trung Quốc phát triển từ một "trang giấy trắng" trong năm 2012, trở thành một ngành công nghiệp trị giá gần 200 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiền nền tảng P2P đã sụp đổ sau động thái của chính phủ nhằm giảm thiểu rủi ro trong hệ thống tài chính. Sau đó, các nhà đầu tư đã vội vã rút tiền sau khi tín dụng bị thắt chặt và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Các nhà chức trách đã có kế hoạch giảm số lượng của các nền tảng cho vay P2P vừa và nhỏ trên toàn quốc."
Goldman Sachs đã rời bỏ vị trí bảo lãnh cho công ty 360 Finance Inc. vào tháng 11, sau khi họ không thể thuyết phục công ty gia hạn lại cho thoả thuận đến khi Trung Quốc làm rõ các quy định và nhu cầu của các nhà đầu tư tăng trở lại. Một nguồn tin khác cho biết, Citigroup cũng ngừng hoạt động với thương vụ IPO của Jiayin Group Inc. bởi họ không đồng ý với khoảng thời gian "chào sàn" cứng nhắc của công ty này.
Ngoài ra, theo những nguồn tin này, Credit Suisse và JPMorgan cũng không còn "mặn mà" với những thương vụ với các nền tảng P2P trong những tháng gần đây, họ huỷ bỏ thoả thuận với CNFinance Holding từ đợt IPO tháng 11 năm ngoái. Các ngân hàng này lo ngại về việc những công ty cho vay P2P quá vội vã để thực hiện thoả thuận.
Đại diện của Goldman Sachs, Credit Suisse, JPMorgan và CNFinance từ chối bình luận. Citigroup từ chối bình luận về thương vụ với Jiyain và nói rằng ngân hàng vẫn có mối quan hệ chặt chẽ với công ty. Một đại diện của Jiyain cho biết cô không thể bình luận bởi đây là thời điểm nên giữ im lặng, trong khi đó, đại diện của 360 Finance cũng không trả lời.
Nhu cầu sụt giảm
Quyết định huỷ bỏ thoả thuận với CNFinance với Credit Suisse cũng ảnh hưởng bởi những lo ngại về tỷ lệ cao của những người bạn và gia đình của các nhà đầu tư tham gia vào việc mua bán cổ phần. Các nhân viên của Goldman Sachs đã có những lo ngại tương tự đối với thương vụ IPO của 360 Finance.
Những yêu cầu của bạn bè và gia đình đến từ những người mua có quan hệ với các nhà quản sáng lập công ty, chứ không phải các tổ chức tài chính lớn thường tham gia vào các những thương vụ bán cổ phần. Đối với CNFinance và 360 Finance, các ngân hàng lo ngại rằng việc thiếu sự tham gia của các tổ chức sẽ làm một lượng lớn các cổ phần rơi vào tay các nhà đầu tư này, điều này có thể dẫn đến tình trạng khối lượng giao dịch thưa thớt. Bạn bè và người thân lại thường không có xu hướng nắm giữ dài lâu.
360 Finance, được tỷ phú Trung Quốc Zhou Hongyi hậu thuẫn, cuối cùng cũng huy động được số vốn là 51 triệu USD trong đợt IPO tại Mỹ vào tháng 12, được bảo lãnh bởi một số công ty trong đó có Citigroup. Ngân hàng Mỹ này đã nhận bảo lãnh thương vụ IPO của 360Finance bởi họ tin rằng công ty sẽ là một nguồn "repeat business" (doanh nghiệp có số lượng khách hàng lặp lại lớn). Hôm thứ Ba, cổ phiếu của 360 Finance đã giảm 26% kể từ đợt IPO.
Độ "hot" của các nền tảng cho vay P2P đã không còn
Thương vụ bán cổ phần của CNFinance sau đó đã được sắp xếp bởi Roth Capital Partners LLC và Shenwan Hongyuan Group Co. Hai công ty này cũng nhận bảo lãnh đợt "chào sàn" của Jiayin. Theo dữ liệu của Bloomberg, kinh nghiệm bảo lãnh IPO của Hongyuan chỉ là hai thương vụ trước đó ở Mỹ với tổng số vốn huy động được là 44,5 triệu USD.
Hôm thứ Ba, cổ phiếu của CNFinance giảm 14% so với đợt IPO. Đại diện của Roth và Shenwan Hongyuan chưa đưa ra bình luận.
Philippe Espinasse, cựu giám đốc mảng thị trường vốn cổ phần tại châu Á của Nomura, cho biết một chuỗi những đề nghị huỷ bỏ của các ngân hàng có thể cho thấy một vấn đề sâu sắc hơn đối với các công ty riêng lẻ, có thể quy định giám sát đối với các doanh nghiệp P2P của Trung Quốc cần được làm rõ hơn.
Ông nói thêm: "Có lẽ đã có quá nhiều thương vụ IPO được lên kế hoạch thực hiện cùng một lúc, với những mục tiêu về gọi mức vốn quá cao để đầu tư vào những nơi đôi khi không có triển vọng. Việc "hạ nhiệt" lúc này có thể là một ý tưởng hay."