Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Facebook cam kết chống tin giả - Ý thức trách nhiệm hay chiêu trò PR?

Có nên phó mặc cho Facebook tự thực hiện lời hứa chống tin giả hay không là một câu hỏi lớn cho nhiều nước.


Tiến sĩ Sarah Logan là chuyên gia về an ninh mạng thuộc Đại học New South Wales. Lĩnh vực nghiên cứu của bà bao gồm chống khủng bố trên không gian mạng, an ninh mạng và tác động của Internet đối với chính trị quốc tế. Bà lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) với luận án so sánh các chính sách chống chủ nghĩa cực đoan tại Anh và Mỹ. Trước khi trở thành học giả, bà làm việc tại Văn phòng Đánh giá Quốc gia Australia.

Tháng 12/2018, Ủy ban châu Âu (EC) công bố kế hoạch hành động nhằm chống lại tình trạng bóp méo thông tin. Đức là nước đi đầu ở Liên minh Châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống tin giả.

Ở châu Á, Singapore và Malaysia đang nhen nhóm ra quy định về nội dung xấu lan truyền trên mạng xã hội. Campuchia, Pakistan, Hàn Quốc hay Indonesia đều ban hành những điều luật nhằm minh bạch hóa quảng cáo trên mạng xã hội.

Việc ngăn chặn tin giả, tin sai tràn lan trên mạng xã hội như Facebook bằng luật là cần thiết, nhưng nhiều nước trên thế giới cũng đang vất vả để có được một đạo luật phù hợp. Thậm chí khi đã được thông qua, đạo luật này cũng vấp phải những tranh cãi nảy lửa.

Không thể tin Facebook
Trong khi đó, có nên phó mặc cho Facebook tự thực hiện được chuyện này hay không cũng là một dấu hỏi lớn. Facebook và các ông lớn mạng xã hội khác có thực sự cảm thấy trách nhiệm đối với cuộc chiến chống tin giả hay chỉ tung ra một vài công cụ trong ngắn hạn để phục vụ mục đích PR?

Mạng xã hội tự đề ra luật ngăn chặn tin giả vì cảm thấy có trách nhiệm hay đó chỉ là chiêu trò PR?

Trong lúc chưa tìm ra được một giải pháp thống nhất, những hậu quả từ tin giả, tin sai vẫn còn tràn lan ở nhiều nơi trên thế giới.

Việc đưa ra luật điều chỉnh về nội dung chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là khi nội dung trên mạng xã hội tràn lan và không theo một chuẩn mực nào như hiện nay.

Vài năm trước, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg còn tự tin khẳng định đại đa số tin trên Facebook là “thật”. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau, Zuckerberg lại cam kết: “Facebook đang làm hết sức để ngăn chặn vấn nạn tin giả”.

Để cho thấy nỗ lực của mình, mạng xã hội với 1,7 tỷ người dùng này sau đó đưa ra công cụ đo lường để “đánh giá độ tin cậy” và “xếp hạng tín nhiệm” cho người dùng; đồng thời tuyên bố đang hợp tác với tổ chức độc lập để đẩy mạnh việc xác tín nội dung lan truyền trên trang.

Không chỉ Facebook, các trang mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin khác cũng tích cực tự đưa ra những biện pháp để ngăn chặn sự phát tán của tin giả, tin sai sự thật.

Twitter tung ra bot để giúp xử lý các tài khoản tự động, tài khoản trùng lặp. Google gỡ bỏ tính năng nguồn có thẩm quyền (authoritative sources). WhatsApp hạn chế chuyển tiếp tin nhắn. Tuy vậy một số ứng dụng như LINE, WeChat và Weibo lại để người dùng tự khám phá cách hạn chế thông tin sai sự thật.

Những nỗ lực này liệu có mang lại hiệu quả?

Một nghiên cứu của Đại học Stanford cho rằng, một mặt nào đó, công cụ của Facebook có kết quả khả quan, còn của Twitter thì chưa thấy rõ.

Tuy vậy, nếu phân tích kỹ, những điều chỉnh nhằm “hạn chế tin giả, tin sai sự thật” từ phía Facebook đơn giản chỉ là thêm trí tuệ nhân tạo, thêm các đoạn mã, hay vá lỗi trong ngắn hạn mà thôi.

Cả hai đối tác kiểm chứng thông tin của Facebook ở Philippines (một trong những quốc gia có lượng người dùng cao nhất Đông Nam Á) than phiền công cụ mạng xã hội này cung cấp mang tính định kiến và cho kết quả không chính xác. Bản thân Facebook cũng chật vật tìm kiếm đối tác để cung cấp tiện ích này cho khu vực châu Á, ngoài Philippines, Ấn Độ và Indonesia.

Sunday Times, trang báo lớn và uy tín nhất của Anh, nhận định việc truyền đi thông điệp “đang làm tất cả để chống tin giả” hay tung ra những công cụ trong ngắn hạn chỉ nhằm phục vụ mục đích truyền thông của Facebook mà thôi. Mạng xã hội này chưa bao giờ xem lại một cách nghiêm túc cách thức kinh doanh và mô hình vận hành của mình.

Tháng 11/2018, Hạ nghị sĩ Mỹ David Cicilline cũng từng nêu rõ quan điểm trên Twitter: “Không thể tin tưởng vào việc Facebook tự lập ra các điều luật để đối phó với tin giả”.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra ở thời điểm này là: Mạng xã hội tự đề ra luật ngăn chặn tin giả vì cảm thấy có trách nhiệm hay đó chỉ là chiêu trò PR?

Các nước siết chặt quản lý
Trong cuộc chiến tin giả, điều khó khăn hơn cả là đưa ra phán xét: Chính xác tin giả là gì?

Có thể thấy rõ một điều phần lớn tin giả, tin sai sự thật được tung ra nhằm mục đích chính trị. Hàng loạt ví dụ có thể kể đến: Nga cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, cổ súy thù địch đối với người Rohingya ở Myanmar hay gần đây nhất là cuộc tổng tuyển cử ở Brazil.

Pháp, Đức, Singapore, Malaysia hay Campuchia đều cảm nhận được sự đe dọa của vấn nạn tin giả. Luật thành văn, được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền là điều cấp thiết.

Pháp, Đức, Singapore, Malaysia hay Campuchia đều cảm nhận được sự đe dọa của vấn nạn tin giả. Luật thành văn, được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền là điều cấp thiết.

Trước thời điểm cuộc bầu cử toàn EU, từ tháng 1-5/2019, các công ty công nghệ và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Google phải gửi báo cáo hàng tháng về việc cập nhật tiến trình trong hoạt động loại bỏ tin tức giả.

Ngoài ra, EU còn xây dựng một hệ thống cảnh báo nhanh mới, với việc tăng cường ngân sách và bổ sung đội ngũ chuyên gia, các công cụ phân tích dữ liệu thông tin. EU cũng yêu cầu các hãng công nghệ cần chứng minh tiến triển đối với việc thực hiện các cam kết.

Tại Đức, luật NetzDG về xử lý vấn đề tin giả, tin sai sự thật, các nội dung bôi xấu, nhục mạ, phát ngôn quá khích, kích động bạo lực chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2018. NetzDG cho phép chính phủ Đức yêu cầu các mạng xã hội phải gỡ bỏ các "nội dung trái luật" nếu không muốn bị phạt, với số tiền lên đến 50 triệu euro ( 1.300 tỷ đồng ).

Sau khi Đức phê chuẩn luật mới, Facebook cho biết sẽ phải tuyển thêm 3.000 nhân viên từ đội ngũ hiện tại lài 4.500 để tham gia công tác thẩm định, kiểm duyệt nội dung trên Facebook.

Năm 2018, Dự luật chống tin tức giả mạo đã được đưa lên bàn nghị sự của Hạ viện Malaysia. Theo dự luật, các đối tượng chủ ý tạo ra, in ấn, xuất bản hoặc lan truyền tin tức giả mạo sẽ bị phạt tiền đến 500.000 ringgit (gần 2,8 tỷ đồng ) hoặc bị bỏ tù đến 10 năm; hoặc bị phạt tù lẫn tiền.

Nhưng thực tế việc ban hành điều luật cũng vấp phải những tranh cãi nảy lửa.

Đạo luật về tin giả của Malaysia bị cho là có nội dung quá rộng, hình sự hóa cả hành vi làm và chia sẻ tin giả, bất kể người chia sẻ có biết đấy là tin giả hay không.

Trong khi đó, Luật NetzD của Đức bị phản biện rằng hạn chế tự do ngôn luận và tạo ra hiệu ứng domino khi chính phủ Singapore, Philippines và cả Nga đang xem NetzDG của Đức như một "hình mẫu". Và có thể, khi luật ở các quốc gia này được xây dựng xong sẽ còn hà khắc hơn ở Đức.

So sánh chi tiết nội dung các luật kiểm soát ngôn luận của Đức và Malaysia, có thể thấy rằng có nhiều cách tiếp cận để giải quyết vấn đề lan truyền tin giả trong thực tế.

Đức quản lý các công ty mạng xã hội và tạo ra một cơ chế tự quản nhất định cho các công ty này. Cơ chế này dù có khiếm khuyết nhưng vẫn có một mức độ "trao quyền" cho các nền tảng mạng nhất định. Malaysia thì quy trách nhiệm chủ yếu cho những người dùng mạng xã hội.

Người dùng không vô can
Nhưng nhiều nghiên cứu lại chỉ ra rằng bản thân đối tượng sử dụng mạng xã hội cũng phải chịu trách nhiệm trong việc lan truyền, phát tán tin giả.

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy chia sẻ tin giả trên Facebook trên thực tế tương đối hiếm. Nghiên cứu đó chỉ ra những người trên 65 tuổi ở Mỹ đã chia sẻ tin tức giả trên Facebook nhiều hơn gần bảy lần so với nhóm tuổi trẻ nhất trong cuộc khảo sát. Đồng thời, những người theo phe bảo thủ chia sẻ tin giả nhiều hơn.

Nhiều nghiên cứu lại chỉ ra rằng bản thân đối tượng sử dụng mạng xã hội cũng phải chịu trách nhiệm trong việc lan truyền, phát tán tin giả.

Báo cáo tin tức kỹ thuật số năm 2018 của Viện nghiên cứu báo chí Reuters cho thấy thông tin sai lệch là một vấn đề xảy ra ở cả ngoại tuyến (offline) cũng như trực tuyến (online) - gây khó khăn cho các phương tiện truyền thông xã hội khi kiểm soát thông tin. Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra phần lớn người dùng ở 37 quốc gia/vùng lãnh thổ được khảo sát có mức độ tin cậy thấp trong việc coi mạng xã hội như một nguồn tin tức.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, hậu quả của tin giả lan truyền trên Facebook trong vụ cổ suý thù địch đối với người Rohingya ở Myanmar, trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, trong bạo lực cộng đồng ở Ấn Độ hay gây hoang mang trong cộng đồng là điều không thể chối cãi.

Hệ quả của tin sai sự thật sẽ rõ ràng hơn khi nhiều nghiên cứu mới được công bố. Còn hiện tại, chính bản thân người dùng phải tự kiểm duyệt về tính xác thực của thông tin đầu tiên.

Sarah Logan

Chuyên gia về an ninh mạng, Đại học New South Wales (Australia)