Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

Đặng Văn Lâm và cuộc hành trình khó tin từ một cậu bé bị quên lãng trở thành thủ môn số 1 tuyển Việt Nam

Văn Lâm là mẫu người nói ít làm nhiều. Cũng vì lẽ đó, chúng ta hiếm thấy anh lên báo đài chia sẻ về cuộc đời cũng như những nỗi niềm sâu thẳm. Và câu chuyện về cuộc hành trình vươn lên của anh phải đến giờ mới được hé lộ.



Trong trận tứ kết với đối thủ Nhật Bản tại Asian Cup 2019, Văn Lâm đã có một màn trình diễn vô cùng xuất sắc. Cả trận, thủ thành sinh năm 1993 sở hữu tới 6 pha cản phá và làm nản lòng không ít ngôi sao đang chơi bóng tại châu Âu như Minamino hay Haraguchi.

Dù "Những ngôi sao vàng" đã không thể tạo được bất ngờ để lọt đến trận bán kết của giải đấu, sau trận, Văn Lâm không khóc. Có lẽ, anh hiểu rằng, cuộc hành trình của tuyển Việt Nam tại giải đấu đã quá tuyệt vời, và cũng khó tin như cái cách mà anh, từ một cậu nhóc bị bỏ rơi trở thành thủ môn số 1 của tuyển quốc gia.

Vốn là người thích chứng minh bằng hành động thay vì những câu nói sáo rỗng trước truyền thông, Văn Lâm vẫn giữ kín câu chuyện vươn lên đỉnh cao của mình và chỉ mới tiết lộ cách đây ít lâu trên tờ Sovetsky Sport của Nga. Một câu chuyện khó tin cho thấy nghị lực lớn đến nhường nào của anh chàng vẫn được fan Việt gọi với cái tên Lâm "Tây".



Thủ môn Đặng Văn Lâm có nhiều pha cứu thua xuất thần trong trận gặp Nhật Bản. Ảnh: Tùng Lê.

"Cháu không đủ tài năng làm thủ môn đâu"

- Chào Văn Lâm, anh có thể cho mọi người biết một chút về gia đình của mình không?

- Tôi sinh ra tại Moscow, có mẹ là một diễn viên người Nga còn cha là vũ công người Việt. Họ đã phải lòng nhau khi gặp gỡ tại một buổi trình diễn nghệ thuật. Gia đình tôi đã ở nơi đây trong 8 năm trước khi chuyển tới Spartak. Tại đây, tôi tham gia vào đội trẻ của họ.

- Nhưng tôi biết rằng anh đã sớm rời Spartak, điều gì đã khiến anh đưa ra quyết định này?

- Tôi bắt đầu không phải với vị trí một thủ môn. Vào thời điểm đó, tôi nhớ mình đã bị đem cho mượn tại một số nơi. Khi trở về, HLV Sidorov đã khá bất ngờ khi nhìn thấy tôi. Ông yêu cầu thay đồ và chuyển tôi sang cho HLV thủ môn. Sau buổi tập hôm đó, ông đã nói một câu làm tôi nhớ mãi: "Con biết đây. Thầy hồi nhỏ cũng muốn trở thành một nghệ sĩ thổi harmonica nhưng rồi không thể". Ông ấy nói vậy ám chỉ tôi không có tố chất.

- Cảm giác của anh thế nào sau lời từ chối đó?

- Mọi thứ như sụp đổ. Tôi bỏ bóng đá và ở lì trong phòng một tuần liền. Sau cùng, cha mẹ đã quyết định cho tôi trở về Moscow để tiếp tục theo đuổi nghiệp quần đùi áo số. Chúng tôi đến gặp Dynamo và thật may họ cũng biết đến tôi. Và thế là, tôi lại chơi bóng. Một điều đặc biệt nữa là CLB này rất tôn thờ thủ môn huyền thoại Lev Yashin. Tên tiếng Nga của tôi (Lev Shonovich Dang) cũng có phần giống ông ấy nên có lẽ cũng được để ý.

- Anh từng đăng một bức ảnh đen trắng và mặc trang phục như Lev Yashin vậy. Liệu ông ấy có phải thần tượng của anh?

- Tôi không thích từ thần tượng. Lev Yashin là hình mẫu cho mọi thủ thành trên thế giới noi theo và tôi cũng vậy. Nếu nói tôi thích ai, gần đây, tôi thường theo dõi Buffon và Casillas. Còn về người giỏi nhất hiện tại, theo tôi, đó là de Gea. Courtois cũng chơi rất hay.

- Sao anh không tiếp tục sự nghiệp của mình tại Dynamo?

- Về cơ bản, mọi thứ tại đây khá tuyệt. Tôi có một vị trí trong đội hai của tuyển trẻ và được đào tạo bài bản với những người có nhiều kinh nghiệm. Có đôi lân, tôi được sang nước ngoài tập luyện nữa. Đáng tiếc, khi tôi hoàn thành chương trình tại Học viện, họ đã không ký hợp đồng chuyên nghiệp với tôi.



"Tôi bị sốc khi phải thay đồ trong toilet"

- Sau khi bị từ chối, anh lập tức bay sang Việt Nam?

- Tôi biết mình có thể chơi cho Dynamo nhưng có vài thứ chống lại tôi tại đó. Vì thế, tôi đã nhờ bố tìm một đội ở Việt Nam để sang chơi bóng. Cả hai đã mò mẫm thông tin các đội trên mạng và lập tức sang Việt Nam. Ít ra, bản thân tôi cũng biết Tiếng Việt do thường xuyên trò chuyện với cha ở nhà.

- Sở hữu thể hình tốt và được đào tạo bài bản, anh dễ dàng tìm được bến đỗ ở Việt Nam?

- Có không ít đội tuyển liên hệ với tôi. Sau khi xem xét, tôi đến CLB đầu tiên. Tôi hỏi thay đồ ở đâu, thì họ chỉ ra phía sau cửa. Hóa ra, đó là toilet. Không chỉ mình tôi, tất cả đều chui vào đó và lột đồ. Tôi bị sốc nặng vì mọi thứ quá khác ở Nga. Tôi sang một đội khác, điều này vẫn lặp lại. Cuối cùng, khi đến HAGL, lúc ấy họ có hợp tác với Arsenal và sở hữu cơ sở vật chất rất tốt, tôi đã quyết định ký hợp đồng. Năm 18 tuổi, tôi đã được tập với đội chính.

- Mọi thứ có tốt đẹp không?

- Mùa đầu, tôi không được thi đấu. Mùa thứ hai cũng vậy. Tôi được gọi lên tuyển U19 quốc gia nhưng vẫn chịu kiếp dự bị tại CLB.

- Nguyên nhân là gì vậy?

- Đầu tiên, Tiếng Việt của tôi vẫn chưa tốt lắm. Tiếp đó, tôi lại cư xử và có cách suy nghĩ rất khác so với mọi người. Thế là, tôi trở nên lạc lõng. May trong thời gian đó, tôi có gặp được một HLV thủ môn người Thái. Ông ấy nhận ra những tố chất của tôi và hai người làm việc hết sức ăn ý. Nhờ thế, tôi học thêm được khá nhiều điều.

- Anh có thể giải thích kỹ hơn về việc khó hòa nhập tại Việt Nam không?

- Thực tế, Việt Nam và Nga có cách nghĩ và thói quen rất khác nhau. Ví dụ ở Nga, bạn có thể gặp HLV và nói những điều mình chưa hài lòng. Ở châu Á thì khác, HLV luôn đúng và bạn phải tuân theo họ, cúi đầu khi nghe họ nói. Tôi không biết điều này nên một số cho rằng tôi kiêu ngạo. Sau đó, mùa thứ hai, họ đem tôi sang Lào cho mượn.




"Tôi không muốn về Nga. Nếu trở lại, mọi thứ sẽ kết thúc"

- Bóng đá tại Việt Nam thì tôi biết chút ít. Còn Lào thì thực sự chưa nghe qua. Anh có thể mô tả chi tiết không?

- Khó tin lắm. Việt Nam đã nóng vô cùng nhưng Lào thì chẳng khác gì lò thiêu. Hôm nào, đài báo không có gió thì tốt nhất bạn không nên ra ngoài. Hàng ngày, chúng tôi đến sân tập bằng xe bus của đội. Tuy nhiên, chiếc xe thường xuyên hỏng hóc và toàn đội thường phải đẩy khoảng 10-20m để xe chạy. Trên xe lại không có điều hòa, trời thì nắng, chúng tôi phải đổ nước xuống ghế cho đỡ nóng.

Chưa hết, chỗ tập của đội còn thường xuyên bị bò viếng thăm và điều kiện vật chất cũng khá thiếu thốn. Tuy nhiên, tôi không hối tiếc những ngày ở Lào. Vì tại đó, tôi được ra sân thường xuyên và có mùa giải chuyên nghiệp đúng nghĩa đầu tiên. Năm đó, đội của tôi về nhì còn tôi là thủ môn hàng đầu tại đó.

- Sau đó, anh quay trở về Việt Nam?

- Tôi đã nghĩ mình sẽ chiếm một suất đá chính tại HAGL. Hóa ra, mọi chuyện lại giống với Spartak. Tôi bị chấm dứt hợp đồng và phải tìm bến đỗ mới. Lúc ấy, tôi vội trở lại Việt Nam, tôi muốn thi đấu cho đội bóng, muốn cống hiến cho tuyển Việt Nam nhưng không thể. Tôi đã đặt mục tiêu cho cha cảm thấy tự hào và đã thất bại.

- Không được ký tiếp hợp đồng có là dấu chấm hết cho sự nghiệp của anh tại Việt Nam? Anh quay về Nga sau đó chứ?

- Không đâu. Tôi biết rằng nếu quay về quê nhà, sự nghiệp bóng đá của tôi sẽ chấm dứt. Vì thế, tôi sang Thái Lan thử việc nhưng họ không muốn mất một suất ngoại binh cho tôi. Và thế là, tôi lại quay lại Việt Nam ký tiếp hợp đồng cho một đội khác. Tuy vậy, tôi vẫn không được ra sân.

Nghĩ lại, tôi không biết vì sao bản thân có thể sống nổi với mức lương chỉ 200 USD/tháng. Mức sống của tôi thậm chí còn thấp hơn cả một người Việt Nam bình thường. Tôi biết trình độ bản thân hoàn toàn có thể chơi tốt tại Việt Nam. Nhưng có lẽ khi ấy, tôi thiếu đi một chút may mắn.

Rồi sau, cha đã gọi cho tôi. Ông ấy gần như bật khóc và yêu cầu tôi trở về. Ông ấy bảo rằng với số tiền ấy thà về Nga làm bảo vệ còn hơn.


Văn Lâm thời còn thi đấu tại Nga. Ảnh: Sovsport.

- Và anh đã quay về Nga?

- Đúng vậy, đó là vào năm 2014. Trở về, theo lời mẹ, tôi ghi danh vào một trường tài chính. Tuy nhiên, tại đây, tôi chẳng biết gì cả và chỉ đạt điểm tốt duy nhất môn thể chất. Cuối cùng, tôi chỉ học tại đó vỏn vẹn 2 tháng.

- Anh tự nghỉ sao?

- Ồ không. Tôi có lý do của riêng mình. Vào thời điểm ấy, có chương trình được một nhãn hàng thể thao tổ chức nhằm chọn ra những cái tên ưu tú để sang London trau dồi. Khá trùng hợp là tôi gặp lại người đã từng chiếm suất của tôi tại Spartak trong quá khứ. Và lần này, anh ta lại thắng tôi và được chọn đi. Tuy vậy, sau khi trở về, anh ấy không tiếp tục theo nghiệp bóng đá. Có lần, anh ấy đã tiếc và bảo tôi nên đi chuyến ấy.

Dù thất bại, nhưng tôi nhận ra bản thân say mê bóng đá đến nhường nào. Tôi hiểu rằng không phải trường học, không phải tài chính, thứ tôi đam mê là bóng đá và thêm một lần tôi lại bỏ tất cả để theo đuổi nó. Mục tiêu của tôi là CLB Solyaris. Anh biết đội bóng đó không?

"Dù chỉ có nửa dòng máu Việt, tôi vẫn sẽ chiến đấu hết mình cho dân tộc Việt Nam"

- Không phải câu lạc bộ đó đã giải thể?

- Lúc ấy thì họ khá nổi. Nếu vào được đó, tôi sẽ là một cầu thủ chơi ở giải hạng 2 và có mức lương khá ổn. Cuộc tuyển chọn vị trí thủ môn rất gắt gao. Khoảng hơn 30 tham gia, tôi là một trong những người trụ lại cuối nhưng sau cùng đã thất bại. Thật buồn.

May sao HLV thủ môn tại đó giới thiệu tôi vào một trường dạy thể thao. Tại đó, tôi vừa có thể tập luyện cũng như dạy cho những đứa trẻ. Tuy nhiên, họ không thể chọn tôi vì tôi từng chơi cho tuyển trẻ của Việt Nam. Nếu muốn được nhận, tôi buộc phải đổi quốc tịch thể thao và sẽ không bao giờ được chơi cho tuyển Việt Nam nữa. Điều này làm tôi phân vân rất nhiều.

Thực lòng, tôi rất muốn khoác lên mình màu áo đỏ. Tuy vậy, sau khi cân nhắc những lần thất bại khi về Việt Nam, tôi đã quyết định liên hệ với VFF và trình bày ý định đổi quốc tịch. Tuy vậy, khi ấy, một HLV thủ môn đã gọi và mong tôi chờ một thời gian. Ông ấy nói rằng tại Việt Nam hiếm có người gác đền nào có thể hình tốt như tôi.



Tin nhắn được Văn Lâm chia sẻ cho Sovsports.

- Và thế là anh lại chờ?

- Trong quãng thời gian đó, tôi có tham dự một giải đấu nhỏ và giành ngôi vô địch. Đó là danh hiệu đầu tiên của tôi. Nó thúc đẩy tôi phải làm một điều gì đó. Tôi nghĩ tới Việt Nam và viết một bức thư trên Facebook, mong được trở lại. Thời gian gần đây, tôi thấy một số báo đăng lại bức thư đó.

Một phóng viên Việt Nam đã đọc được và gửi cho tôi số của HLV Việt Nam lúc này, ông Miura. Thời gian đó, dư luận chia nửa, một phần muốn cho tôi cơ hội và phần còn lại thì không. Sau vài hôm, ông ấy nhắn lại và cho biết không cần tới tôi.

- Vậy điều gì xảy đến tiếp theo?

- May mắn là Chủ tịch của CLB Hải Phòng đã chú ý và liên hệ với tôi. Ông ấy hỏi rằng tôi muốn mức lương bao nhiêu. Tôi lúc ấy chỉ muốn thi đấu và không quan trọng chuyện tiền bạc. Nghe xong, ông ấy yêu cầu tôi lập tức sang Việt Nam ký hợp đồng.

- Và anh được bắt chính ngay?

- Không đâu. Khi đó, Hải Phòng sở hữu một thủ thành sở hữu phong độ rất cao (Xuân Việt). Qua 9 vòng, CLB toàn thắng và anh ấy có tới 5 trận sạch lưới. Và rồi, anh ấy bị ốm và không thể thi đấu. Cơ hội được trao cho tôi. Khỏi phải nói tôi đã run thế nào và đã mất ăn mất ngủ mấy ngày liền. Trận đầu tiên tôi ra sân, đội đã thất bại 1-2 vì một bàn thua ở phút cuối. Tôi bị không ít chỉ trích nhưng chủ tịch đội vẫn tin tưởng. Trận sau tôi tiếp tục được bắt chính và giành luôn vị trí trong khung gỗ từ đó.



Thủ môn Đặng Văn Lâm là nhân tố quan trọng trong đội hình tuyển Việt Nam. Ảnh: Tùng Lê.

- Sự nghiệp ở tuyển quốc gia của anh thì sao?

- Tôi được gọi lên tuyển chỉ sau 2 trận bắt chính cho Hải Phòng. Và rồi tôi được ra sân trận đầu tiên là ở màn so tài với Jordan vào năm 2017. Khi ấy, toàn đội đã hòa 0-0. Tôi là cầu thủ xuất sắc nhất trận ấy. Từ đây, tôi luôn được bắt chính trên tuyển và chỉ vắng mặt 3 trận do chấn thương. Toàn đội chơi cực tốt và ngôi vô địch AFF Cup 2018 là thành quả xứng đáng.

- Tôi rất ấn tượng với động tác ăn mừng của anh trong những trận đấu gần đây. Anh có thể giải thích không?

- Tôi muốn cho các fan hiểu rằng, dù chỉ mang một nửa dòng máu Việt, tôi vẫn sẽ chiến đấu hết mình cho đội tuyển. Sau chức vô địch AFF Cup, tôi muốn trở thành một hình mẫu không chỉ cho các VĐV mà còn cả đám trẻ. Nếu bạn cố gắng và không chịu từ bỏ, dù có phải làm điều không thích hay bị đẩy sang Lào, hãy làm hết mình. Hãy tin vào bản thân và bạn sẽ dần chạm tới mục tiêu của mình.


Động tác ăn mừng của Văn Lâm.